Axit mạnh – Di chứng để lại cơ thể nạn nhân

2013-11-29 06:26

      Tạt axit là một trong những hành vi bạo lực đáng lên án trong xã hội ngày nay. Nạn nhân của hành động ấy phải đối mặt với các chấn thương, tổn hại về cả sức khỏe, thể chất lẫn tâm lý, tinh thần. 

       Bản chất của việc bỏng do axit gây ra là hiện tượng phản ứng giữa axit hoạt động hóa mạnh với các chất hữu cơ trên cơ thể người. Thông thường, có 3 loại axit vô cơ mạnh thường gây bỏng đó là axit sunfuric (H2SO4), axit nitric (HNO3) và axit clohidric (HCl).  Đây đều là các axit có tính oxy hóa mạnh, nhất là ở nồng độ đậm đặc, nó sẽ gây bỏng và tổn thương nhanh chóng nếu tiếp xúc trực tiếp với chúng qua da. 

        Theo các chuyên gia, do tính chất oxy hóa mạnh nên khi tác động lên cơ thể, axit phá hủy cấu trúc mô như da, mỡ, gân, cơ… gây hoại tử từ ngoài vào trong theo cơ chế đông vón protein của cơ thể.

        Sở dĩ axit gây bỏng trên cơ thể người là bởi axit phản ứng với các protein trên cơ thể có trong tóc, móng chân, móng tay, da… Theo đó, khi tiếp xúc với da, axit làm ngưng kết các protein của mô và hút nước của tế bào. Chúng cũng hóa hợp với protein tạo thành protein axit. Quá trình này gây rối loạn liên kết peptid, lắng đọng tổ chức keo, protein mô bị kết tủa hoàn toàn. Nồng độ axit càng đặc, thời gian tiếp xúc càng dài thì bỏng, hoại tử càng nặng và sâu.

       Tùy từng loại axit cũng như việc bỏng axit ở các vị trí tiếp xúc, ta có thể chia ra làm nhiều cấp độ bỏng. Song dù bị bỏng ở cấp độ nào, chúng cũng đều gây tổn hại đến sức khỏe và để lại di chứng suốt đời cho nạn nhân. Axit nitric gây ra vết thương màu vàng rồi chuyển dần thành màu sẫm. Axit clohidric tạo những vết thương có màu vàng nâu. Nhưng có một điểm chung đó là các vết bỏng sau khi lành lại sẽ gây ra di chứng sẹo lồi, sẹo co kéo, đặc biệt ở trẻ em.

        Hầu như bất cứ bộ phận nào của cơ thể tiếp xúc trực tiếp với 3 loại axit kể trên đều sẽ bị tổn hại. Nếu bị tạt axit đậm đặc vào phần đầu, axit có thể gây bỏng sâu, ăn mòn và phá hủy một phần hộp sọ. Cùng với đó, tóc biến mất và phần da đầu chỗ đó không bao giờ mọc lại nữa. 

        Đối với tai, mũi, tiếp xúc với axit có thể gây ra điếc, mũi teo tóp, biến dạng, lỗ mũi đóng kín hoàn toàn. Nguyên nhân là do lớp sụn ở tai, mũi có thành phần chính là nước, protein và collagen. Axit đậm đặc, nhất là axit sunfuric đặc rất háo nước sẽ nhanh chóng hút nước của sụn, ngưng kết lõi protein bên trong và phá hủy sụn hoàn toàn, gây biến dạng bộ phận tiếp xúc

       Trong trường hợp axit bắn vào mắt, miệng, nạn nhân có thể mất hoàn toàn đôi môi, mí mắt bị đốt cháy hay biến dạng. Lúc này, việc ăn uống, sinh hoạt trở nên vô cùng khó khăn. Nếu axit bị bắn trực tiếp vào mắt thì sẽ gây bỏng võng mạc, nguy cơ mù lòa của nạn nhân là rất cao.

       Một giả thuyết khác được tính đến đó là khi nạn nhân vô tình hít phải hơi axit đậm đặc trong quá trình bị bỏng trực tiếp do axit. Hơi này gây tổn thương đường hô hấp, nếu nồng độ cao có thể gây phù phổi, thậm chí là tử vong.

       Tình huống nặng nhất có thể xét tới đó là nạn nhân chẳng may uống hay nuốt phải các axit mạnh như axit sunfuric (H2SO4) và axit nitric (HNO3). Theo các bác sĩ, nếu nuốt phải axit thì khi nó đi tới đâu sẽ phá hủy bộ phận cơ thể tương ứng tới đấy bởi hai loại axit này háo nước cực mạnh, chúng sẽ hút sạch nước, ngưng kết lõi protein từ vòm họng cho tới thực quản, dạ dày…

        Tóm lại việc cơ thể tiếp xúc trực tiếp với các axit mạnh là rất nguy hiểm và nó để lại nhiều di chứng. Mọi người cần nâng cao hiểu biết, hết sức cẩn thận khi tiếp xúc với axit để tự bảo vệ sức khoẻ cho bản thân mình.