Hoá dược một lĩnh vực nghiên cứu không giới hạn
Trong mọi lúc, bản năng sinh tồn đã thúc đẩy tất cả các loài động vật và thực vật phát triển khả năng chống chọi với bệnh tật. Động vật nói chung đã luôn có cách xác định cái gì có thể ăn trong môi trường của mình bằng phương pháp dùng thử và loại bỏ những thứ không dùng được (có thể phải qua những kinh nghiệm đau thương). Con người trong quá khứ cũng không ngoại lệ, tuy nhiên cùng sự phát triển của tri thức nhân loại, con người đã phát triển các kiến thức về thực vật, cây cỏ và các chất trong môi trường xung quanh có khả năng làm giảm đau cho mình. Từ đó các hướng về thử nghiệm lâm sàng ban đầu (không phải thử nghiệm ngẫu nhiên) và nghiên cứu dược phẩm đã được ra đời.
Không giống như hầu hết các loài động vật khác, con người luôn vượt lên trên những tác động của môi trường bên ngoài lên cơ thể của mình. Bằng sự tò mò và sáng tạo, con người đã liên tục phân tích tỉ mỉ, chuyển đổi, chiết xuất, tổng hợp… và cuối cùng là tạo ra những hợp chất mới với tác dụng có ích cho con người, từ đó ngày càng mở rộng thêm kiến thức của con người về lĩnh vực này. Các tác dụng có lợi của vỏ cây liễu để chống lại cơn đau và hạ sốt đã được viết trong văn bản cổ của nền văn minh Sumer (6000-3000 trước Công nguyên). Có một điều chắc chắn là trước khi có được những kết quả như vậy thì con người đã phải nhận ra được đặc tính của loại cây này và có rất nhiều lần thử nghiệm trước khi có những văn bản đầu tiên. Nguồn gốc hoạt tính của vỏ cây liễu chính là acid salicylic, một hợp chất tự nhiên thuộc họ phenolic, có lẽ đã được sử dụng từ rất lâu để chống viêm.
Các sản phẩm chữa bệnh ban đầu chỉ được sắc với nước (tách ra khi đun sôi với H2O), và gây nhiều tác dụng phụ. Sự thành công của phản ứng acyl hoá trong thế kỷ XIX đã mang lại cho nhân loại một loại thuốc giảm đau được sử dụng rộng rãi nhất cho đến nay: Asprin (sản phẩm này đã giúp cho công ty Bayer trở thành một hãng dược phẩm khổng lồ như ngày nay). Đây là một ví dụ trong nhiều quá trình tổng hợp hóa học đầu tiên và sản phẩm được gọi là “thuốc”.
Vai trò của hoá dược là nghiên cứu cấu trúc phân tử của hợp chất và cải thiện tính chất chữa bệnh của hợp chất đó. Đây là sự giao thoa của hoá học (khoa học về vật chất) và dược học (khoa học về hoạt tính của thuốc), liên kết chặt chẽ giữa tính chất dược lý và cấu trúc hóa học. Hầu hết các loại thuốc hữu cơ đều được cô lập từ thiên nhiên, một trong những nhiệm vụ quan trọng cơ bản của lĩnh vực hóa dược là làm thay đổi cấu trúc hoá học của hợp chất theo hướng mong muốn, có thể bằng tổng hợp hữu cơ. Các nghiên cứu về hóa dược bắt đầu ngay sau khi quá trình tổng hợp hữu cơ được hoàn tất : nghĩa là tiến hành xong phần tổng hợp các phân tử mong muốn, trong khi nhiệm vụ của hóa dược là khảo sát “các” hoạt tính của các phân tử này. Khi nói đến việc khảo sát các phân tử thuốc thì người ta luôn luôn dùng ở số nhiều, luôn luôn là “các hoạt tính” chứ không bao giờ dừng lại ở số ít “một hoạt tính” nào đó do mỗi hoạt tính luôn tác động lên rất nhiều thành phần khác nhau trong cơ thể. Bốn yếu tố quan trọng trong ngành hóa dược là dược lực học, dược động học (PK-ADME), độc tính và tính chất lý-hoá học.
Hoá dược với đặc điểm liên ngành của nó đã làm cầu nối kết hợp hóa hữu cơ, hoá phân tích, hóa học phức chất, vật lý ... với sinh lý học và y học. Là một ngành khoa học có tính cơ bản rất cao trong việc phát hiện, nghiên cứu bản chất của thuốc và các nghiên cứu cơ bản đã và đang phát triển rất mạnh trong thập kỷ qua. Ngày nay với sự hợp tác của các nhà khoa học trên nhiều lĩnh vực đa và đang tiến hành nghiên cứu và tìm các loại hợp chất mới có khả năng chống ung thư, HIV-ADSI, virus,… và mở ra những hi vọng cho các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.