Những món thường có trong ngày tết có ý nghĩa hoá học và nhân văn như thế nào?
· Mâm ngũ quả: Tết nguyên Đán là tết lớn nhất trong năm. Ngày tết, trên bàn thờ nhà nào cũng có mâm ngũ quả (5 loại quả). Mâm ngũ quả thể hiện lòng thành kính và tưởng nhớ của con cháu với tổ tiên. Màu sắc và hình dạng của các trái cây trong mâm ngũ quả tạo nên sự hài hoà và sang trọng của bàn thờ, đồng thời cũng gây cho con người cảm giác hưng phấn, sảng khoái, tính thẩm mỹ, gần gũi với thiên nhiên.
Triết lý cơ bản của mâm ngũ quả là: "con số 5 là số trung tâm của vũ trụ; vũ trụ hình thành do tập hợp của ngũ hành: KIM, MỘC, THUỶ, HOẢ, THỔ".
Số 5 đã đi vào tiềm thức của người Việt nam như ngũ tạng, ngũ quan, ngũ sắc, ngũ vị, gậy trúc 5 đốt, áo bà ba 5 cúc...
Ngũ quả ấy là gì? Tuỳ theo cây, trái ở mỗi miền mà mâm ngũ quả cũng khác nhau.
Ở miền Bắc, mâm ngũ quả gồm 2 loại quả chủ đạo là nải chuối xanh và quả bưởi to còn nguyên cuống với cành lá. Ba loại quả khác thường là phật thủ, cam, quýt, táo, hồng xiêm...
Ở miền Nam mâm ngũ quả cũng lấy nải chuối làm chủ đạo. Ba loại trái cây khác thường là dừa, xoài, đu đủ, mãng cầu... ý nghĩa dí dỏm là năm mới "cầu đủ xài".
Về ý nghĩa hoá học, mâm ngũ quả cung cấp cho ta đường glucozơ cùng nhiều loại sinh tố (A, B, C,... ) các axit hữu cơ và các chất xơ rất cần thiết cho hệ tiêu hoá.
· Xôi gấc: Xôi gấc là một loại thực phẩm sang trọng thường được dùng trong các dịp lễ, tết như ngày tiễn ống Táo về Trời, lễ cúng giao thừa. Màu đỏ của xôi gấc thể hiện lòng trung thành và sự tôn nghiêm. Màu đỏ là màu của nhiệt tình và hi vọng, ý chí và vị tha, quyền lực và bổng lộc. Vị ngọt của xôi gấc là do đường saccarozơ pha chế vào, đồng thời cũng là vị ngọt của glucozơ do tinh bột thuỷ phân tạo ra.
Màu đỏ của xôi gấc chủ yếu do caroten là licopen có trong gấc.
Caroten có công thức phân tử C40 H56 (chất màu vàng da cam có nhiều trong củ cà rốt) chứa 11 liên kết đôi C = C, hai đầu mạch là hai vòng b - ionon tạo nên một hệ liên hợp những nhóm mang màu. Caroten có 3 đồng phân a, b, g trong đó đồng phân b có hoạt tính cao hơn cả. Sinh tố A hay caroten trong gấc giúp trẻ con chóng lớn, tăng thị lực và chữa các bệnh về mắt làm cho viết thương màu lành.
Licopen cũng có công thức phân tử là C40H56 (chất màu đỏ có nhiều trong quả cà chua chín) có 13 liên kết đôi C = C trong phân tử.
Về mặt dinh dưỡng, cứ 100 gam xôi gấc cho ta năng lượng khoảng 287,6 Kcal. Năng lượng này tạo ra do sự chuyển hoá của 4,97 gam protein; 7,43 gam lipít, 48,37 gam gluxit, 5,53 gam caroten, 0,08 gam vitamin B1...
Như vậy xôi gấc là thực phẩm sang trọng, mang tính thẩm mỹ và giàu năng lượng.
· Món cá: Các món ăn trong ngày tết rất phong phú và đa dạng phần lớn được chế biến từ thịt lợn (heo) và thịt gia cầm.
Các món ăn chế biến từ thịt lợn như giò, chả, nem, ninh, mọc... dễ làm cho ta ngấy khi ăn. Từ xưa, ông cha ta đã thấy rõ điều đó nên nhiều địa phương có tập quán chế biến món ăn trong ngày Tết từ cá.
Trong cá có nhiều nguyên tố selen, cơ thể chúng ta cần selen để cấu thành loại enzim, ngăn cản những gốc tự do gây hại và là nguồn gốc của sự già nua. Như vậy selen trong cá góp phần chống lão hoá, nó thanh xuân hoá con người.
Các nhà khoa học đã phát hiện rằng người Eskimo ở Bắc cực ăn toàn mỡ cá không bị dư cholesterol, rất ít bị cao huyết áp. Mỡ cá có các axit eicosapentaeoic và docosahexaeoic được gọi chung là "Omega - 3 chưa no" gây phản ứng chuyển hoá lipoprotein, giảm tổng hợp apolipoprotein beta, tăng lượng lipoprotein tỷ trọng cao là thành phần tốt của cholesterol, giúp tạo ra màng tế bào cùng hocmon steroit và axit mật. Lipoprotein tỷ trọng thấp mới là thành phần có hại, gây tắc động mạch.
Người Nhật có thói quen ăn mỗi tuần từ 3 đến 5 bữa cá và thường ăn cá vào các dịp lễ tết hoặc chiêu đãi thượng khách. Do ăn nhiều cá, ít ăn thịt mà tuổi thọ trung bình của người Nhật thuộc hạng cao nhất trên thế giới.