Ô nhiễm môi trường trong hoạt động giao thông
Phương tiện giao thông góp phần quan trọng vào quá trình phát triển của xã hội, mặt khác lại gây ra những tác động xấu đến môi trường, gây nguy hại cho sức khoẻ của con người và làm suy giảm chất lượng cuộc sống đô thị. Do đó, cần có những giải pháp cấp bách, nhằm hạn chế ô nhiễm giao thông, góp phần giảm mức độ ô nhiễm không khí đô thị, gìn giữ sức khỏe cho con người.
Trong quá trình hoạt động các phương tiện giao thông phát thải vào không khí một khối lượng lớn các loại khói, khí độc như CO, CO2, hydrocacbon, NO2, SO2, khói đen, chì và các dạng hạt khác. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Môi trường, các chỉ số ô nhiễm khói bụi đã vượt quá quy chuẩn cho phép, như hàm lượng bụi cao hơn 1-2 lần.
Hoạt động giao thông chiếm tới gần 85% lượng khí cacbon monoxit có khả năng gây nhiễm độc cấp và nhiều chất độc hại khác. Trong khi đó, các nguồn thải khí gồm: hoạt động sản xuất công nghiệp, hoạt động khai thác khoáng sản, hoạt động xây dựng, khí thải do các ngành khác và hoạt động dân sinh chỉ chiếm một tỉ lệ tương đối về khí thải gây ô nhiễm không khí khu vực nội thành. Điều này cho thấy, ô nhiễm môi trường từ phương tiện giao thông hiện nay đang là một trong những tác nhân lớn nhất, gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng môi trường không khí.
Theo nhận định của Tổng cục Môi trường “Ô nhiễm môi trường không khí hiện nay không những tác động xấu tới sức khỏe của con người, thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu. Nhiều chương trình nghiên cứu cũng đã cho thấy biến đổi khí hậu không chỉ thuần túy do tác động của tự nhiên mà còn do tác động của con người thông qua việc sử dụng các loại nhiên liệu hóa thạch trong sản xuất công nghiệp, giao thông, vận tải, nông nghiệp, kéo theo lượng phát thải khí nhà kính CO2 không ngừng gia tăng nhanh, góp phần gây nên biến đổi khí hậu”.
Nhìn chung diễn biến chất lượng môi trường không khí tỷ lệ thuận với số lượng phương tiện giao thông tham gia trên đường. Để thực hiện mục tiêu: Kiểm soát, phòng ngừa, hạn chế gia tăng ô nhiễm, hướng tới xây dựng hệ thống giao thông vận tải bền vững, thân thiện môi trường. Cần triển khai thực hiện các giải pháp chủ yếu sau đây:
- Tổ chức quản lý, kiểm tra khí thải phương tiện cơ giới đường bộ theo các tiêu chuẩn đã ban hành; tổ chức quản lý phát thải khí gây ô
- Quản lý và giảm thiểu chất thải lỏng gây ô nhiễm do hoạt động giao thông vận tải; đặc biệt quan tâm đến việc quản lý nước dằn tàu của các phương tiện vận tải biển; nước thải sinh hoạt do hoạt động giao thông vận tải đường sắt, đường thủy nội địa.
- Quản lý, xử lý đúng kỹ thuật, đảm bảo vệ sinh chất thải do hoạt động giao thông vận tải: rác thải sinh hoạt do hoạt động giao thông vận tải, chất thải rắn trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.
- Quản lý các thành phần gây ô nhiễm khác: bụi, tiếng ồn, độ rung, … Đặc biệt quan tâm đến việc kiểm soát bụi PM10 và tiếng ồn do hoạt động giao thông vận tải tại các đô thị.
- Cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông đồng bộ việc quy hoạch đô thị.
- Cần phát triển mạnh, tăng hoạt động của các phương tiện giao thông công cộng (như xe buýt, xe điện ngầm, xe điện trên cao ).
- Khuyến khích các phương tiện chạy bằng năng lượng sạch (xăng sinh học).
- Xây dựng hệ thống quan trắc đồng bộ, kiểm tra, giám sát định kỳ việc tuân thủ các tiêu chuẩn phát thải đối với các phương tiện giao thông.
- Tăng cường năng lực quản lý môi trường cấp thành phố và cấp quận, huyện, xã, phường, thị trấn.
- Tập trung nâng cao nhận thức về môi trường của người dân, đặc biệt đối với vấn đề ô nhiễm không khí.