Phân bón đa dinh dưỡng
Trước kia các loại phân bón được sản xuất chỉ có hai đến ba yếu tố phân bón chính, sau đó dần dần các loại phân chứa thêm các yếu tố trung lượng và vi lượng.
Ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nhiều loại phân bón được sản xuất khi đem bón cho cây trồng mang lại hiệu quả rất cao, giảm chi phí trong sản xuất, nâng cao được giá thành sản phẩm khi thu hoạch.
Phân bón đa dinh dưỡng có trộn thêm các chất làm cho ngoài chức năng dinh dưỡng ra, phân bón còn có các chức năng khác như trừ cỏ, trừ sâu bệnh hại, điều hòa sinh trưởng, kích thích ra lá, ra hoa và phát triển một số bộ phận mà người ta muốn thu hoạch như mầm măng, thân ngầm, củ…
Phân bón đa chức năng còn bao gồm các loại phân bón có chứa các chất cải tạo lí tính đất. Ngoài ra nó còn có nhiều chất tham gia vào việc thúc đẩy mạnh các hoạt động của vi sinh vật đất như: chất hữu cơ, các loài vi sinh vật có lợi như vi sinh vật cố định đạm tự do, vi sinh vật cố định đạm cộng sinh, vi sinh vật phân giải lân khó tiêu, vi sinh vật phân giải khoáng vật có chứa kali, vi sinh vật kháng sinh…
Các thành phần chính trong phân bón đa dinh dưỡng, đa chức năng:
Chất chính: là các hợp chất hóa học có chứa nguyên tố dinh dưỡng đa, trung và vi lượng nếu là phân đa dinh dưỡng. Người ta thường sử dụng các loại phân đơn thông dụng trên thị trường như phân ure, supe lân đơn, supe lân kép, phân lân nung chảy, phân kali clorua, phân kali sunfat… Ngoài ra có thể dùng các axit như: axit nitric, axit phôtphoric, các khoáng vật tự nhiên chứa kali, các muối hoặc vi ôxit có chứa vi lượng trộn với nhau.
Trong phân bón đa chức năng ngoài thành phần có chứa chất dinh dưỡng còn trộn thêm thuốc trừ sâu bệnh hại, thuốc trừ cỏ, các chất cải tạo lí tính của đất, các chất hữu cơ, các loại vi sinh vật đất có lợi, các chất điều hòa sinh trưởng, các loại men và vitamin…
Chất độn (chất gia trọng): Đây là chất thêm vào làm cho hàm lượng chất dinh dưỡng trong phân bón đạt được đúng tỉ lệ chất dinh dưỡng dự định sản xuất. Người ta dùng bột đá vôi, thạch cao, cao lanh, than bùn sấy khô để phối trộn, số lượng chất độn càng ít càng tốt.
Chất tạo độ chua kiềm mong muốn: Sau khi phối trộn các nguyên liệu với nhau thường xảy ra các phản ứng giữa các thành phần nguyên liệu và làm cho phân bón bị chua hay kiềm. Vậy muốn có độ chua thích hợp cần trộn thêm các nguyên liệu để làm giảm độ chua như bột đá vôi, bột đôlômit nghiền. Axit phôtphoric, axit nitric được dùng để giảm độ kiềm.