Phản ứng dây chuyền
Năm 1680
Rôbecđơ Bôilơ nhận xét rằng : sự phát sáng của photpho được tăng cường khi giảm áp suất không khí. Ngày nay, người ta biết rõ rằng : đặc điểm đó riêng có đối với phản ứng dây chuyền, là loại phản ứng chỉ có thể xảy ra ở áp suất thấp hơn một giới hạn trên nào đó, và cao hơn một giới hạn dưới tương ứng, tuỳ theo mỗi phản ứng.
Năm 1788
Nhà hoá học Pháp Ăngtoan Franxoa Fucroa (1755 - 1808) nhận xét rằng : photpho phát sáng trong không khí rõ hơn trong oxi tinh khiết. Hiện tượng này cũng được giải thích bằng sự tồn tại của giới hạn trên và giới hạn dưới của áp suất đối với phản ứng dây chuyền.
Năm 1805
Alêchxanđơ Fon Humbôntơ (1769 - 1859) và Gây Laytrăc (1778 - 1850) nghiên cứu sự bốc cháy của hỗn hợp hỉđro và oxi. Hai ông đi đến kết luận rằng : khi dư đến mức nào đó một trong các khí thì không xảy ra sự bốc cháy.
Những hiện tượng nêu trên và nhiều hiện tượng khác được đăng thông báo trong các tạp chí khoa học thời đó, mà không kèm theo sự giải thích nào, vì vào thế kỉ XIX các nhà khoa học chưa có đủ cơ sở để giải thích các hiện tượng như thế.
Năm 1913
Nhà hoá học Đức Macxơ Bôndestâynơ (1871 - 1942) nghiên cứu 22 phản ứng quang hoá học và lần đầu tiên phát triển quan niệm về đặc tính dây chuyền của các phản ứng đó.
Năm 1918
Vanterơ Nerst (1864 - 1941) giải thích về mặt lí thuyết cơ chế của quá trình phản ứng giữa hiđro và clo.
Năm 1926
lu.B. Khariton và ZệF. Vantơ đặt nền móng cho sự phát triển hiện đại về động học các phản ứng dây chuyền.
Năm 1928
Nhicôlai Nhicôlaêvich Xêmênôp (sinh năm 1896) phát triển thuyết về sự bốc cháy dây chuyền.
Năm 1956
N.N. Xêmênôp và Hinselvucđơ đạt giải Nôben hoá học do kết quả nghiên cứu về cơ chế của phản ứng dây chuyền. Các phản ứng dây chuyền được nghiên cứu khá tỉ mỉ chủ yếu nhờ công trình của hai nhà khoa học này và các trường phái do các ông sáng lập nên. Phản ứng dây chuyền có ý nghĩa thực tế to lớn : các quá trình công nghệ trong sản xuất cao su, sự polime hoá, quá trình điểu chế nhiều hợp chất cao phân tử, nhiên liệu lỏng v.v..., bản chất đều là những phản ứng dây chuyền.
Ngày nay, việc nghiên cứu phản ứng hoá học luôn gắn liền với việc nghiên cứu cơ chế và động học của chúng.