Phát hiện vật liệu mới trong công nghệ chế tạo đĩa quang

2013-12-01 10:00

          Mới đây, các nhà nghiên cứu đến từ đại học Tokyo, Nhật Bản đã khám phá một loại vật liệu mới hứa hẹn sẽ mang đến thế hệ tiếp theo của những chiếc đĩa siêu dung lượng với khả năng lưu trữ đến vài terrabyte. Thêm vào đó, với loại vật liệu này, giá thành sản xuất các đĩa siêu dung lượng sẽ rẻ hơn so với đĩa sử dụng công nghệ Blu-ray.

 

            Các nhà khoa học đã phát hiện ra một dạng kết tinh của titan oxit với khả năng chuyển đổi giữa tính chất kim loại và tính chất bán dẫn khi được chiếu sáng ở nhiệt độ phòng. Theo giáo sư Shin-ichi Ohkoshi thuộc khoa nghiên cứu khoa học tự nhiên, nhóm nghiên cứu đã tiến hành đốt oxit titan lên tới nhiệt độ 1200 độ C và tạo ra các hạt nhỏ li ti có kích thước 1 phần triệu milimet. Ở nhiệt độ bình thường khi được chiếu bằng tia laser, vật liệu này xuất hiện tính chất bán dẫn. Vật liệu có thể dẫn điện hoặc không dẫn điện khi được chiếu sáng hoặc không chiếu sáng. Vì vậy, với tính năng này, vật liệu rất phù hợp để sử dụng trong đĩa quang học.

        Không giống các đĩa Blu-ray vốn vẫn đòi hỏi những nguyên tố hiếm và có giá trị như germani-antimon-teclua, những chiếc đĩa sử dụng titan oxit sẽ rẻ hơn gấp trăm lần và bằng cách sử dụng các hạt siêu nhỏ của vật liệu mới, những chiếc đĩa quang có thể được sản xuất với tiềm năng lưu trữ dữ liệu gấp 1000 lần so với các đĩa Blu-ray hiện tại.


        Giáo sư Ohkoshi nhấn mạnh: "Bạn không cần phải lo ngại về vấn đề tìm kiếm các kim loại hiếm. Titan oxit rất rẻ và an toàn, nó đã được sử dụng rộng rãi trong rất nhiều sản phẩm như phấn trang điểm, phấn trắng, v.v..." Ông cũng cho biết, hiện tại vẫn chưa xác định khi nào loại đĩa này được sản xuất và được đưa vào sử dụng thực tế nhưng ông cũng dự định sẽ liên hệ với các công ty để đi đến thương mại hóa.