Sạch 1 tấn nước nhiễm phóng xạ bằng 1 gram vật liệu mới

2013-12-07 19:33

    Mới đây các nhà khoa học tại ĐH Công nghệ Queensland (Úc) cho biết đã phát triển thành công vật liệu thông minh đầu tiên trên thế giới có khả năng hấp thụ và loại bỏ chất phóng xạ trong nước rất hiệu quả giúp tiết kiệm lượng nước lớn.

    Các nhà máy điện hạt nhân thường được xây dựng gần nguồn nước nhằm mục đích làm mát nhiệt thải của nhà máy. Điều này có nghĩa là nước sẽ bị nhiễm phóng xạ nếu xảy ra thảm hoạ hạt nhân.


    Vật liệu thông minh do GS Zhu Huai-Yong tại ĐH Công nghệ Queensland hợp tác với Tổ chức Công nghệ và Khoa học Hạt nhân Úc và ĐH Pennsylvania (Mỹ) phát triển được cấu tạo bởi các sợi và ống nano Titanate. Không giống như các phương pháp làm sạch hiện tại, vật liệu mới có khả năng hấp thụ các chất phóng xạ chết người trong nguồn nước ô nhiễm. Chất phóng xạ sau đó sẽ được xử lý an toàn không gây ra nguy cơ rò rỉ cho dù vật liệu có bị ướt.

    Hoạt động của thiết bị như sau: khi nước ô nhiễm chảy qua các ống và các sợi nano, ion của của phóng xạ Cesium (Cs+) bị mắc kẹt tại đây do sự thay đổi cấu trúc của vật liệu. Ngoài ra, bằng cách thêm các tinh thể nano oxit bạc trên bề mặt, cấu trúc nano có thể giữ lại các ion i-ốt phóng xạ (I-). Những ion này sau đó sẽ được sử dụng để điều trị bệnh ung thư tuyến giáp, hay dùng làm các thiết bị thăm dò và chẩn đoán y tế.

    “Một gam sợi nano có thể làm sạch ít nhất 1 tấn nước nhiễm xạ”, Giáo sư Zhu cho biết. “Vật liệu sẽ giúp tiết kiệm một lượng nước lớn và ngăn chặn nguy cơ phóng xạ ngấm vào đất”.

    Hiện nay Úc là quốc gia sản xuất Titania, vật liệu thô dùng để chế tạo sợi và ống nano Titanate, lớn nhất thế giới.