Thành công mô hình xử lý khí thải lò đúc nhôm

2013-11-21 16:05
    Cục Kiểm soát ô nhiễm (Tổng cục Môi trường) phối hợp với Công ty Cổ phần công nghệ thân thiện môi trường Bách Khoa vừa xây dựng, thí điểm thành công mô hình xử lý khí thải lò đúc nhôm tại làng nghề Bình Yên (Nam Trực- Nam Định).
Nhân rộng mô hình xử lý khí thải giảm thiểu ô nhiễm
 
    Làng Bình Yên được hình thành trong quá trình chuyển đổi từ sản xuất thuần nông sang phát triển nông nghiệp, kết hợp với các hoạt động sản xuất công nghiệp từ năm 1989. Ban đầu chỉ có vài hộ chế tạo các loại chậu, xoong nhôm với nguyên liệu nhôm cán được nhập về từ làng Vân Chàng (Nam Định) hoặc Bắc Ninh. Nhưng mấy năm trở lại đây, Bình Yên có tới hàng trăm hộ sản xuất nhôm. Hiện các khâu nấu nguyên liệu, cô nhôm, cán kéo và tạo hình đều do các hộ trong làng làm. Do việc phát triển sản xuất nhôm còn mang tính tự phát, công nghệ lạc hậu, thiết bị thiếu đồng bộ, ý thức bảo vệ môi trường của người dân còn hạn chế, nên ô nhiễm ở làng Bình Yên đáng báo động. Từ xa đã nhìn rõ những cột khói đen từ các lò cán nhôm, nấu luyện xả trực tiếp ra môi trường. Người dân quanh vùng luôn cảm thấy ngột ngạt, khó thở.
    Trong quá trình cô nhôm, cô lon của các lò đã thải ra khói bụi kim loại gây ảnh hưởng tới môi trường không khí. Ngoài ra, nhiên liệu đốt chính sử dụng trong sản xuất ở làng nghề là than. Quá trình đốt than, nung chảy phế liệu nhôm, vỏ lon phát sinh một lượng lớn các khí thải độc hại như: Khói, bụi, CO, SO2, NO2, hơi xút… gây ô nhiễm tới môi trường làng nghề cũng như môi trường xung quanh. Ô nhiễm môi trường từng, ngày từng giờ đe dọa sức khỏe người dân nơi đây. Trong đó các tác nhân hóa học độc hại như a-xít, xút, muối kim loại nặng… là nguyên nhân gây ra các bệnh ở người như mẩn ngứa, ung thư… Lượng khí độc hại xả trực tiếp ra môi trường có thể gây ra các bệnh về đường hô hấp như viêm phổi, ảnh hưởng đến hệ thần kinh, gây buồn nôn, chóng mặt…
Nhân rộng mô hình
    Trước thực trạng đó, năm 2011, trong khuôn khổ nhiệm vụ “Xây dựng và phát triển các mô hình về xử lý khí thải, nước thải các làng nghề đặc thù của Việt Nam”, Cục Kiểm soát ô nhiễm phối hợp với Công ty Cổ phần thân thiên môi trường Bách Khoa đã xây dựng mô hình xử lý khí thải lò đúc nhôm tại làng nghề Bình Yên.
    Theo các chuyên gia, khí thải từ lò cô đúc nhôm được xử lý theo phương pháp hấp thụ. Đây là phương pháp đơn giản, dễ chế tạo thiết bị, dễ vận hành, chi phí thấp nhưng hiệu quả tương đối cao. Phương pháp hấp thụ khí bằng chất lỏng là quá trình hòa tan trong chất lỏng khi chúng tiếp xúc với nhau. Trong khí thải lò nấu nhôm thủ công, các chất hữu cơ, bụi được hấp thụ, hòa tan vào dung dịch và phân hủy từ từ trong thùng chứa. Tại các lò nấu nhôm được đặt các chụp hút khí sao cho toàn bộ khí được hút vào hệ thống xử lý nhờ một quạt hút, sau đó được dẫn thoát qua ống khói cao từ 7-12 m.
    Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Nam Định- Hoàng Trọng Nghĩa- đánh giá, mô hình xử lý khí thải lò nấu nhôm đã hạn chế lượng khí thải phát tán trong khu vực sản xuất nên giảm thiểu tác động của các chất độc hại đối với sức khỏe người lao động trực tiếp cũng như người dân sống xung quanh. Các chỉ tiêu phân tích cho thấy, hệ thống xử lý khí thải hoạt động hiệu quả, giảm thiểu ô nhiễm do hoạt động sản xuất, tái chế nhôm gây ra cho cộng đồng. Vì vậy, thời gian tới, các cơ quan chức năng cũng như người dân làng nghề cần chung tay nhân rộng mô hình xử lý khí thải lò nấu nhôm, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.