Thuốc kháng sinh – con dao hai lưỡi.

2013-12-04 05:48

    Nhiều người có thói quen cứ bị ho, cảm lạnh hay khịt mũi là muốn dùng đến thuốc kháng sinh để nhanh khỏi. Nhưng có lẽ họ không ý thức được rằng mỗi lần sử dụng kháng sinh đặc biệt, nguy cơ kháng thuốc, tức thuốc sẽ không hiệu quả cho lần chữa trị sau sẽ gia tăng. Trước thực trạng kháng thuốc kháng sinh ngày càng đáng báo động, chúng ta đang đứng trước nguy cơ trở lại thời kỳ một nhiễm trùng nhỏ cũng có thể gây chết người. Thậm chí, nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, không phải cứ dùng nhiều, mà chỉ cần một đợt kháng sinh cũng góp phần sinh ra kháng thuốc.

Nguyên tắc cơ bản tránh kháng thuốc
    Kháng sinh không diệt được virus. Hầu hết các bệnh cảm lạnh, cúm là do virus nên điều trị bằng kháng sinh không có tác dụng bởi kháng sinh chỉ tiêu diệt vi khuẩn. Vì vậy, uống thuốc kháng sinh trong trường hợp nhiễm virus là vô ích và làm gia tăng nguy cơ kháng thuốc.


 

    Cân nhắc giữa lợi ích và tác hại. Nếu uống thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng nghiêm trọng hoặc đe dọa tính mạng thì đó là điều cần thiết. Nhưng những nhiễm trùng thông thường, như viêm tai giữa chẳng hạn mà dùng đến kháng sinh thì nên cân nhắc. Hướng dẫn điều trị của ngành y tế Australia chỉ ra rằng, viêm tai giữa nguyên nhân có thể do vi khuẩn hoặc virus. Bệnh thuộc dạng tự khỏi nên khoảng 60% trẻ bị bệnh thường hết đau trong vòng 24 tiếng mà không cần điều trị bằng kháng sinh. Tuy nhiên, nếu trẻ sốt, buồn nôn hoặc biểu hiện có nhiễm trùng thứ cấp thì cần phải dùng kháng sinh.

    Nếu đơn thuốc kê kháng sinh, là người bệnh bạn nên được giải đáp cặn kẽ rằng, tại sao cần phải uống thuốc kháng sinh loại đó, tác dụng phụ thế nào, kết hợp giải pháp nào để hồi phục nhanh hơn. Thực hiện đúng hướng dẫn. Để thuốc đạt hiệu quả cao nhất và tránh kháng thuốc, quan trọng nhất là thực hiện đúng quy định như liều lượng, thời gian, cách dùng.

Tác hại của việc lạm dụng kháng sinh:

  • Gây lãng phí: Ví dụ bệnh do vi rút dùng kháng sinh không có tác dụng mà vẫn dùng kháng sinh rõ ràng là gây lãng phí.
  • Có khi gây khó khăn cho chẩn đoán bệnh, ví dụ bệnh nhân vị viêm ruột thừa cấp mà dùng kháng sinh làm lu mờ các triệu chứng của bệnh gây trở ngại cho chẩn đoán bệnh, càng để xử trí bệnh chậm có hại.
  • Có khi dễ bị gây phản ứng dị ứng, mẫn cảm, có khi bị phản ứng phản vệ nguy hiểm có thể chết người.
  • Sử dụng kháng sinh liều cao có khả năng gây suy tủy, ví dụ trường hợp sử dụng Chloramphenicol liều cao kéo dài gây nguy hiểm cho người bệnh.
  • 1 số kháng sinh như Streptomycine, Kananycin dùng liều cao, hoặc kéo dài có thể gây điếc và suy thận.
  • Lạm dụng kháng sinh dễ làm cho vi khuẩn nhờn thuốc, do đó làm giảm tác dụng chữa bệnh của thuốc.

Các lý do dẫn đến lạm dụng kháng sinh

  • Do bệnh nhân: Có một số người bệnh tưởng rằng kháng sinh chữa được bách bệnh, nên hễ bị bệnh là dùng kháng sinh, tự mua, tự uống điều trị rất nguy hiểm.
  • Do thầy thuốc: Trong thực tế hàng ngày việc sử dụng kháng sinh cũng còn dễ dàng, rộng rãi. Khi chưa xác định được căn nguyên gây bệnh, có khi theo yêu cầu của người bệnh, thầy thuốc cũng dễ sử dụng kháng sinh.
  • Ở xã hội ta việc sử dụng thuốc, việc bán thuốc cũng chưa thật chặt chẽ theo quy định của Bộ Y tế cho nên để xẩy ra tình trạng dễ lạm dụng thuốc trong điều trị. Về vấn đề lạm dụng kháng sinh, từ năm 2001, Tổ chức y tế Thế giới đã có “kế hoạch toàn cầu để kiểm soát sự đề kháng của kháng sinh” và cấm lạm dụng kháng sinh. Ở nước ta Bộ Y tế cũng đã có những quy định cụ thể về sử dụng kháng sinh và cấm lạm dụng kháng sinh.