Thích ứng với nước biển dâng do biến đổi khí hậu

2013-11-29 18:58

    Nhiều nghiên cứu khẳng định rằng với nguyên nhân chủ yếu là do biến đổi khí hậu (BĐKH), mực nước biển sẽ dâng cao dần trong thế kỉ 21. Mực nước biển dâng cao đã và đang là một thách thức rất lớn đối với nhiều hệ sinh thái, đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên, ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều mặt trong đời sống xã hội của con người trên qui mô toàn cầu.

1. Sự cần thiết phải thích ứng với nước biển dâng

    Nhiều nghiên cứu khẳng định rằng với nguyên nhân chủ yếu là do biến đổi khí hậu (BĐKH), mực nước biển sẽ dâng cao dần trong thế kỉ 21. Mực nước biển dâng cao đã và đang là một thách thức rất lớn đối với nhiều hệ sinh thái, đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên, ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều mặt trong đời sống xã hội của con người trên qui mô toàn cầu. Bất kể những nỗ lực hiện tại và trong thời gian tới của toàn thế giới nhằm cắt giảm khí thải nhà kính, cũng không thể ngăn chặn ngay được những tác động tiêu cực do mực nước biển dâng cao. Bởi vậy, thích ứng với nước biển dâng do BĐKH gây ra trong bối cảnh hiện tại là một việc quan trọng để giảm thiểu tính dễ tổn thương, giúp tăng cường khả năng sống chung với lũ, hạn chế các rủi ro mà nước biển dâng mang lại.

2. Ba nhóm giải pháp thích ứng với nước biển dâng

    Để ứng phó, thích ứng với việc nước biển dâng cao, tại nhiều quốc gia, nhiều giải pháp thích ứng đã được nghiên cứu, triển khai ví dụ như tăng cường, gia cố các hệ thống đê kè, trồng rừng ngập mặn, xây dựng hệ thống bơm giảm ngập, chuẩn bị các bản đồ xác định những điểm dễ bị tổn thương, di chuyển các cơ sở nuôi trồng thủy sản và cơ sở hạ tầng ven biển…Nhìn chung, tuỳ theo mức độ phát triển kinh tế và tình hình thực tế khác nhau mà các nước có những cách lựa chọn giải pháp cụ thể hoặc kết hợp các giải pháp sao cho tối ưu để thích ứng với nước biển dâng do tác động của BĐKH. Tuy nhiên, tựu trung lại, các lựa chọn thích ứng được chia thành 3 nhóm chính là:

  • Các biện pháp bảo vệ: bao gồm giải pháp bảo vệ “cứng” và bảo vệ “mềm”, trong đó các giải pháp bảo vệ cứng chú trọng đến các can thiệp vật lý, giải pháp kĩ thuật công trình xây dựng cơ sở hạ tầng như xây dựng tường biển, tôn cao các tuyến đê, kè sông, kè biển, xây dựng đập ngăn nước mặn hoặc kênh mương để kiểm soát lũ lụt…trong khi đó các biện pháp bảo vệ mềm lại chú trọng các giải pháp thích ứng dựa vào hệ sinh thái như tăng cường trồng rừng phòng hộ ven biển, đầu tư vào đất ngập nước, bổ sung đất cho các bãi biển, cải tạo các cồn cát ven biển, trồng rừng ngập mặn…
  • Các biện pháp thích nghi: các biện pháp này nhấn mạnh đến việc đầu tư cải tạo cơ sở hạ tầng, chuyển đổi tập quán canh tác, chú trọng đến việc điều chỉnh các chính sách quản lý bao gồm những phương pháp quy hoạch đón đầu, thay đổi các tiêu chuẩn xây dựng, sử dụng đất, các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường... nhằm giảm thiểu tính dễ tổn thương, tăng cường khả năng thích nghi, sống chung với lũ của cộng đồng trước tác động của BĐKH và nước biển dâng.
  • Các biện pháp di dời: phương án cuối cùng khi mực nước biển dâng lên mà không có điều kiện cơ sở vật chất để ứng phó là biện pháp di dời, rút lui vào sâu trong lục địa. Đây là phương án né tránh tác động của việc nước biển dâng bằng tái định cư, di dời nhà cửa, cơ sở hạ tầng ra khỏi vùng có nguy cơ bị đe doạ bị ngập nước. Phương án này bao gồm cả việc di dân từ vùng đất ngập nước vào sâu trong nội địa.

Ba lựa chọn thích ứng với nước biển dâng

3. Vấn đề đặt ra trong công tác thích ứng với nước biển dâng tại Việt Nam

    Với khoảng 3.260km đường bờ biển chạy dài suốt từ Bắc xuống Nam, cùng với khoảng 50% dân số cả nước đều là các vùng đất thấp, Việt Nam được đánh giá là một trong các quốc gia dễ bị tổn thương và chịu nhiều tác động tiêu cực do nước biển dâng gây ra do BĐKH. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (2007), nếu mực nước biển dâng 1m sẽ có khoảng 10% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp, tổn thất đối với GDP khoảng 10%. Nếu nước biển dâng 3m sẽ có khoảng 25% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất đối với GDP lên tới 25%. Có thể thấy, hậu quả của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng đối với Việt Nam là nghiêm trọng và là một nguy cơ hiện hữu cho mục tiêu xoá đói giảm nghèo, ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ cùng sự phát triển bền vững của đất nước.Việt Nam không thể né tránh được mà phải thích ứng với việc mực nước biển dâng.

    Kinh nghiệm các nước đã chỉ ra rằng có 3 nhóm biện pháp thích ứng với nước biển dâng, đó là Bảo vệ, Thích nghi và Rút lui. Với 3 nhóm giải pháp này, nhìn chung những lựa chọn thích ứng có thể rất đa dạng, rõ ràng tùy thuộc vào các chính sách ưu tiên, mức độ tác động, tình hình thực tế về kinh tế, xã hội và các nguồn lực khác nhau mà tại nước ta, ở mỗi địa phương có thể có những cách lựa chọn giải pháp cụ thể một hoặc hai hoặc kết hợp cả ba để giải quyết tối ưu vấn đề thích ứng với nước biển dâng. Tuy nhiên, điểm quan trọng cần nhấn mạnh để thực hiện có hiệu quả trong công tác thích ứng với nước biển dâng đó là: việc áp dụng các giải pháp thích ứng với nước biển dâng cần được triển khai với sự chú trọng dài hơi hơn đến những dự báo trong tương lai, thay vì chỉ chủ yếu tập trung vào những điều kiện khí hậu trước mắt, bên cạnh đó, cần có một sự thay đổi trong tư duy, cách nhìn nhận về việc thích ứng từ bị động thành chủ động đối phó, phòng ngừa, tránh việc thích ứng thường có theo kiểu “trông và chờ”; đồng thời, cần đưa những tác động nước biển dâng như chỉ dẫn quan trọng cho việc hoạch định chính sách; xem xét tận dụng cơ hội mà tác động của nước biển dâng mang lại thay vì chỉ theo chiều tư duy ứng phó và cũng cần vận dụng các quan niệm mới này để lồng ghép, triển khai một hệ thống chính sách đồng bộ, nhất quán và toàn diện, củng cố khả năng thích ứng của từng địa phương và quốc gia trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng ngày càng diễn biến phức tạp.