Vi sinh vật - giải pháp xử lý môi trường
Trong lĩnh vực này, vi sinh vật môi trường đang là phương pháp tiếp cận nghiên cứu tốt nhất của thế giới, tập trung vào việc phân lập vi sinh vật từ tự nhiên hay tạo ra các chủng giống vi sinh vật mới, có khả năng nuôi dưỡng, tạo thành các chế phẩm sinh học nhằm giải quyết triệt để vấn đề chất ô nhiễm trong nước thải, rác thải mà công nghệ sinh học trước đây chưa làm được như kỹ thuật sinh học kỵ khí, hiếu khí.
Xử lý rác thải sinh hoạt
TS Tăng Thị Chính, Viện Công nghệ Môi trường, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, trong quá trình ủ compost, khi nhiệt độ đống ủ tăng lên cao hơn 50oC , các vi sinh vật ưa ấm ngừng hoạt động hoặc chết đi, chỉ còn vi sinh vật ưa nhiệt tồn tại và phát triển. Các loài nấm (nấm mốc, nấm men, nấm sợi...) thường kém chịu nhiệt hơn, nên bị chết trong quá trình ủ ở nhiệt độ cao. Trong số các loại vi sinh vật thì vi khuẩn và xạ khuẩn có khả năng chịu nhiệt cao hơn, chúng tồn tại và phát triển suốt quá trình ủ. Vì vậy, Viện Công nghệ Môi trường đã tập trung nghiên cứu, phân lập và tuyển chọn các chủng vi sinh vật ưa nhiệt thuộc nhóm xạ khuẩn Streptomyces và vi khuẩn thuộc giống Bacillus để sản xuất chế phẩm vi sinh Biomix1. Ðây là tập hợp gồm mười chủng xạ khuẩn ưa nhiệt có tác dụng phân hủy mạnh các chất hữu cơ trong chất thải và bảo đảm là những chủng vi sinh vật không gây bệnh cho người và động vật, thực vật.
Chế phẩm Biomix1 đã đưa vào thử nghiệm đầu tiên ở nhà máy chế biến phế thải đô thị Hà Nội (Cầu Diễn), sau đó là ở Việt Trì và Thái Bình. Bể đối chứng là bể ủ theo quy trình của nhà máy. Kết quả nghiên cứu thu được cho thấy nếu sử dụng công nghệ thông thường của nhà máy thì thời gian xử lý hiếu khí (sử dụng máy thổi khí để cấp khí) kéo dài khoảng
45 ngày (nhiệt độ trong giai đoạn này thường hơn 50oC , nếu không được cấp khí) và có mùi hôi thối bốc ra từ bể ủ. Nhưng khi bổ sung thêm 30 kg chế phẩm Biomix1 cho một bể xử lý dung tích 150 m3 thì thời gian xử lý hiếu khí là 30 ngày và không có mùi hôi bốc lên. Kết quả phân tích thành phần mùn của các bể xử lý cho thấy, bể có bổ sung chế phẩm Biomix1 lượng mùn thu được nhiều hơn và chất lượng mùn cũng tốt hơn. Chế phẩm này hiện đang được cung cấp cho nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại Việt Trì, Phú Thọ và Nhà máy xử lý rác thải Ðồng Xoài của Công ty CP đầu tư và phát triển công nghệ môi trường Bình Phước.
Xử lý phế thải nông Nghiệp ngoài đồng ruộng
Trước những yêu cầu bức thiết về bảo vệ môi trường và có thể tận dụng nguồn phế thải nông nghiệp để sản xuất phân bón hữu cơ, Viện Công nghệ và Môi trường đã tiến hành sử dụng chế phẩm Biomix1 để xử lý rơm, rạ và thân, lá các loại rau, dưa, dây bí, lạc, phân gia súc, gia cầm và các chất thải hữu cơ khác để sản xuất phân bón hữu cơ. Kết quả thực nghiệm cho thấy sau 30 ngày thì ở đống ủ có bổ sung vi sinh vật đã hoai mục, còn đống ủ không bổ sung vi sinh vật thì sau 60-80 ngày mới hoai mục và gãy vụn.
Cách ủ xử lý rơm, rạ, phế thải nông nghiệp tại ruộng sử dụng men vi sinh đã được tái sử dụng như một nguồn hữu cơ để cải tạo đất, giảm thiểu lượng phân bón hóa học, thay thế được toàn bộ lượng phân chuồng cần sử dụng, ngoài ra còn tiết kiệm được từ 1,2 đến 1,5 kg phân u-rê/sào và 1,5 kg phân ka-li/sào. Biện pháp ủ này còn giúp cho nông dân có ý thức bảo vệ môi trường và tiết kiệm chi phí cho sản xuất nông nghiệp. Ðây là mô hình đơn giản, dễ thực hiện, đầu tư ít, mang lại hiệu quả kinh tế cao và bảo vệ môi trường.
Hiện tại, Viện Công nghệ và Môi trường đã nghiên cứu, tuyển chọn và thu thập được một bộ sưu tập các chủng giống vi sinh vật có khả năng sinh tổng hợp các enzym ngoại bào cao, thích hợp cho sản xuất các loại chế phẩm vi sinh vật phục vụ cho nhiều loại ô nhiễm môi trường khác nhau.