Vitamin K làm giảm nguy cơ tiểu đường
Vitamin K còn gọi là vitamin đông máu, xuất phát từ tên gọi “Koagulation vitamin”. Khi cơ thể thiếu vitamin K hay xảy ra hiện tượng chảy máu ở các cơ quan nội tạng hoặc đổ máu cam. Đó là do vitamin K tham gia vào thành phần coenzym của các enzym xúc tác quá trình tạo nên protrombin là một loại hợp chất protein có vai trò quan trọng trong quá trình đông máu.
Theo các nhà khoa học Hà Lan, vitamin K còn có thể giảm 20% nguy cơ bệnh tiểu đường.
Nghiên cứu được tiến hành trên 38.094 người Hà Lan có độ tuổi từ 20 – 70 trong hơn 10 năm. Mức độ tiêu thụ vitamin K (Phylloquinone-vitamin K1 và Menaquinone-vitamin K2) được đánh giá qua bảng câu hỏi. Tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường được thống kê thông qua tự đánh giá kết hợp với kiểm soát các hồ sơ y tế ở bệnh viện. Sau 10,3 năm theo dõi, các nhà nghiên cứu ghi nhận 981 trường hợp bị tiểu đường.
Sau khi cân đối các yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường và chế độ ăn uống, kết quả cho thấy vitamin K1 có thể giảm 19% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 ở nhóm tiêu thụ nhiều K1 nhất so với nhóm tiêu thụ ít nhất. Vitamin K2 với khoảng 10µg/ngày có thể giảm 7% nguy cơ tiểu đường type 2.
Như vậy, theo kết quả nghiên cứu, vitamin K có thể làm giảm tới 20% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2.
Trong tự nhiên, vitamin K tồn tại ở 2 dạng là vitamin K1 (phylloquinone) và vitamin K2 (menaquinone). Vitamin K2 có hoạt tính thấp hơn hẳn vitamin K1 (bằng 60%). Vitamin K1 được tìm thấy chủ yếu trong rau xanh như cải xoăn, rau bó xôi, súp lơ, rau bina … và một số loại quả như quả bơ, quả kiwis. Vitamin K2 trong thịt, trứng và các sản phẩm sữa.
Trong thực phẩm, vitamin K ở hàm lượng không gây độc hại cho người sử dụng. Thực tế, chưa có độc tính nào được phát hiện có liên quan đến liều lượng cao của vitamin K1 và K2. Do vậy, mức tiêu thụ tối đa chấp nhận được (UL – Tolerable upper intake level) không được thiết lập.
Tuy nhiên, một dạng tổng hợp của vitamin K là menadione (vitamin K3) đã được chứng minh là có thể gây ra phản ứng dị ứng và gây hại cho nhiều loại tế bào bao gồm cả các tế bào thận và gan. Do vậy, Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) không cho phép bán menadione dưới dạng bổ sung cho chế độ ăn uống.