Biện pháp cải tạo và bảo vệ môi trường

Bra-xin phát minh phương pháp mới hấp thụ khí thải công nghiệp

2013-12-07 18:08

    Các nhà hóa học thuộc Đại học Liên bang Minas Gerais của Bra-xin vừa tuyên bố phát minh một phương pháp mới hấp thụ khí thải CO2 từ các cơ sở công nghiệp bằng cách lắp đặt các hạt lọc bằng sứ vào ống khói của các nhà máy này.

    Giáo sư hóa học Giê-ran-đô Ma-giê-la Li-na (Geraldo Migela Lina) cho biết các hạt lọc có màu trắng và đường kính khoảng 0,5 cm, hấp thụ CO2 qua một phản ứng hóa học ở nhiệt độ cao. Tốc độ hấp thụ phụ thuộc vào yếu tố nhiệt độ.

    Phương pháp này có nhiều ưu điểm. Thứ nhất là lượng khí CO2 hấp thụ lớn. Các hạt lọc này có khả năng hấp thụ tới 40% lượng khí tiếp xúc bề mặt với chúng và nhóm nghiên cứu đang cố gắng nâng tỷ lệ này lên 60%. Đây là chỉ số cao so với các phương pháp thông dụng hiện tại, thường có tỷ lệ hấp thụ 12 - 20 %. Thứ hai là hạt lọc hấp thụ CO2 trước khi loại khí gây hiệu ứng nhà kính này tiếp xúc với không khí. Thứ ba là các hạt sứ sau khi đã hấp thụ bão hòa có thể xử lý hóa học để tái sử dụng, hoặc dùng làm nguyên liệu trong các ngành hóa chất, sản xuất nhựa hoặc dệt may. Một hạt lọc có thể sử dụng 10 lần trước khi thải loại, và nhờ đó công nghệ này được coi là có giá thành thấp.

    Biện pháp này có thể áp dụng cho các nhà máy luyện kim, nhà máy sản xuất xi măng, nhà máy nhiệt điện, hoặc các cơ sở công nghiệp nhỏ sử dụng chất đốt như lò bánh mì v.v…

    Hiện tại công thức hóa học của loại sứ đặc chủng này vẫn được giữ bí mật và đang trong giai đoạn xin cấp phép. Các nhà nghiên cứu cũng cho biết tỷ lệ giữa khối lượng chất liệu lọc và khối lượng CO2 được hấp thụ còn tùy thuộc vào cấu trúc từng nhà máy, nhưng dao động khoảng 1 kg hạt lọc/500g CO2.

    Bra-xin là một trong những nước thải ra khối lượng khí gây hiệu ứng nhà kính cao nhất thế giới với khoảng 2 tỷ tấn/năm, trong đó 25 % là từ các cơ sở sản xuất công nghiệp.

Công nghệ IGCC giúp giảm khí thải cacbonic

2013-12-07 18:05

    Nhật báo China Daily của Trung Quốc ngày 24-2 cho biết nhà máy điện chạy bằng than đá kiểu mới do chính nước này nghiên cứu sẽ bắt đầu hoạt động từ năm 2011.

    Nhà máy được thiết kế theo công nghệ tích hợp khí hóa (IGCC) đặt tại thành phố Thiên Tân với chi phí 2,1 tỷ nhân dân tệ (hơn 300 triệu USD) được khởi công từ tháng 7-2009. Khi hoàn thành, nó được xem là một trong những nhà máy có công nghệ IGCC tiên tiến trên toàn cầu với 99% tỷ lệ khử lưu huỳnh, do đó lượng khí thải CO2 và hợp chất nitrogen oxide sẽ được giảm thiểu.

    IGCC có lợi thế là sử dụng triệt để cả khí và hơi nước trong quá trình đốt than đá để chạy máy phát điện.

Theo ông Wu Ruosi, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Huaneng, đơn vị triển khai dự án này, nếu so sánh một nhà máy điện chạy bằng than đá thông thường công suất 300.000 KW/giờ với một nhà máy công nghệ IGCC với công suất 250.000 KW/giờ, cùng tiêu thụ cùng một lượng 70.000 tấn than đá mỗi năm, lượng khí thải CO2 của nhà máy sử dụng công nghệ IGCC chỉ bằng 1/10 so với nhà máy thông thường.

    Hiện Tập đoàn Huaneng đang hợp tác với 7 tập đoàn nhà nước khác của Trung Quốc thành lập công ty chuyên áp dụng công nghệ IGCC nhằm đóng góp vào mục tiêu cắt giảm khí thải CO2 gây biến đổi khí hậu toàn cầu. 

Khử khí Cacbonic bằng…sắt

2013-12-07 16:23

    Các nhà khoa học sẽ thực hiện một dự án đổ ... sắt xuống biển nhằm giảm lượng khí CO2 trong bầu khí quyển Trái Đất.

    Các nhà khoa học tại Trung tâm Hải dương học quốc gia thuộc Đại học Southampton (Anh) sẽ sử dụng tàu biển và máy bay để rải dung dịch sắt sunphát trên diện tích 10.000 km2 thuộc các vùng biển Nam Cực trong vòng 5 năm nhằm giảm lượng khí CO2 trong bầu khí quyển Trái Đất...

Lượng sắt này (dự kiến khoảng 600 tấn/năm) sẽ kích thích các loại tảo phát triển để chúng hấp thụ khí cácbonníc (CO2) – thủ phạm gây ra hiệu ứng nhà kính. Khi các loại tảo này chết đi, chúng chìm xuống đáy đại dương và lưu giữ khí CO2 dưới đáy biển hơn 50 năm.

    Theo các tính toán khoa học, dự án có thể giúp hấp thụ hàng tỷ tấn khí CO2 mỗi năm, tương đương với 12% tổng lượng khí CO2 do con người tạo ra.

    Nhiều doanh nghiệp ủng hộ dự án này, bởi nó kinh tế hơn nhiều so với việc họ phải tìm cách cắt giảm lượng khí CO2 thải vào môi trường.

    Trước đó, việc thử nghiệm dự án “rải sắt trên biển” ở quy mô nhỏ đã thu được những thành công ban đầu. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng còn e ngại dự án kiểu này sẽ gây ra những tác dụng phụ với một số loài sinh vật biển.

Công nghệ lên men mêtan xử lý nước thải làng nghề

2013-12-07 16:15

    Ngày 26/2, tại Hà Nội, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổ chức Năng lượng mới và Phát triển kỹ nghệ công nghiệp NeDo Nhật Bản đồng tổ chức Hội thảo “Công nghệ lên men mêtan và xử lý nước thải”.

    Hội thảo nhằm hợp tác nghiên cứu, đào tạo và phát triển hệ xử lý nước thải thích hợp với làng nghề giảm ô nhiễm và biến đổi khí hậu.

    Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Nguyễn Xuân Bảo Tâm cho rằng thông qua hỗ trợ điểm trực tiếp cho nghiên cứu xử lý nước thải làng nghề quy mô vừa và nhỏ, các đơn vị chuyên môn về kỹ thuật công nghệ môi trường có thể cùng nhau xây dựng lộ trình phát triển kỹ thuật và chuyển giao công nghệ thích hợp, trong khuôn khổ của Chương trình Viện trợ xanh của Chính phủ Nhật Bản cho Việt Nam, cũng như sử dụng các nguồn hỗ trợ khác, qua đó có thể nhân rộng các mô hình xử lý nước thải, góp phần giảm thiểu ô nhiễm và ngăn ngừa ô nhiễm tại các cơ sở sản xuất và doanh nghiệp, cải thiện chất lượng nước tại các lưu vực sông, đặc biệt các khu vực ô nhiễm trọng điểm.

    Theo ông Masayuki Tsuchiya, phụ trách các dự án môi trường của Việt Nam, Dự án ứng dụng kỹ thuật môi trường của Nhật Bản giúp tìm ra giải pháp cải thiện môi trường ở Việt Nam, do vậy rất mong Chính phủ Việt Nam sẽ xây dựng hành lang pháp lý về quy chế pháp luật phù hợp tạo điều kiện cho Nhật Bản thực hiện chuyển giao công nghệ này.

    Giới thiệu về công nghệ lên men mêtan và xử lý nước thải tại các làng nghề ở Việt Nam, ông Hirosi Taniuchi cho biết nước thải và chất hữu cơ sẽ được gom vào bể chứa để lên thành men mêtan sau đó mêtan khử sunphua được dùng làm nhiên liệu phát điện, nước thải ra tiếp tục đưa vào bồn chứa xử lý mức độ chấp nhận được rồi thải ra môi trường, bên cạnh đó chất thải rắn sau khi lên men có thể dử dụng làm phân bón nông nghiệp.

    Ô nhiễm làng nghề hiện nay đang ở mức đáng báo động, kết quả khảo sát mới đây của Viện Khoa học và Công nghệ môi trường Đại học Bách khoa Hà Nội đưa ra những con số đáng lo ngại, đó là 100% mẫu nước thải ở các làng nghề có thông số vượt quá tiêu chuẩn cho phép; nước mặt, nước ngầm đều có dấu hiệu ô nhiễm./.

Dùng lá chà là làm sạch nước thải y tế

2013-12-07 16:09

    Các nhà nghiên cứu trường Đại học Sultan Qaboos (Vương quốc Oman) đã đề xuất ngành sản xuất chà là (loài cây thuộc họ Cọ) đừng vứt lá đi mà hãy dùng để xử lý nước thải, đặc biệt là là nước thải của các cơ sở y tế. Theo họ, những chiếc lá của cây này có thể hấp thụ bất cứ hoá chất độc hại nào trong nước thải.

`Theo kế hoạch, vào đầu năm 2013 Vương quốc Oman sẽ thực hiện một dự án về các phương pháp xử lý nước do các bệnh viện thải ra. Các nhà khoa học đã cố gắng tìm kiếm các công nghệ và phương pháp mới để biến nước thải thành nước có thể uống được.

    Thông thường trong các bộ lọc nước thải người ta sử dụng than hoạt tính. Nhóm các nhà nghiên cứu Oman do giáo sư Saeed al-Shafei đứng đầu cho rằng loại than làm bằng cách đehydrat hoá lá chà là bằng axit sunfuric ở nhiệt 170 độ C thu được hiệu quả cao hơn nhiều so với bất cứ loại than hoạt tính thông thường nào. Không những thế, việc sản xuất ra “than từ lá chà là” lại rẻ hơn và thân thiện với môi trường hơn những sản phẩm bán trên thị trường một vài lần.

    Theo ghi nhận của giáo sư al-Shafei, than làm từ lá chà là không chỉ khử được hoàn toàn dư lượng các chất màu và các dược phẩm ở dạng vết, mà còn loại bỏ được các kim loại nặng độc hại.

    Cần lưu ý rằng giáo sư al-Shafei trong 12 năm liên tục đã đi sâu vào nghiên cứu các chất hấp thụ “xanh” ( tức những sản phẩm đi từ các chất có trong thiên nhiên không độc hại ) và chính ông đã từng phát hiện ra phế liệu từ nhiều loại cây trồng như hạt ô-liu, vỏ trấu cua thóc đều có thể sử dụng được để làm sạch nhiều loại chất ô nhiễm khác nhau.

    Trong số nguồn nguyên liệu này, lá chà là cho sản phẩm tốt nhất và đang bị bỏ phí vì không biết dùng làm gi trong khi các nước Trung Đông đều đang phát triển mạnh sản lượng quả chà là được thế giới rất ưa chuộng.

Xử lý rác thải chợ

2013-12-07 14:57

    Đặc trưng của nước thải chợ: Nước thải chợ bao gồm các chất hữu cơ, vô cơ và vi sinh vật. Lượng chất hữu cơ chiếm 50 – 60% tổng các chất bao gồm các chất hữu cơ thực vật như: cặn bã thực vật, rau, hoa, quả, giấy,… và các chất hữu cơ động vật như chất thải bài tiết của người và động vật, xác động vật,…

    Lượng chất vô cơ trong nước thải gồm cát, đất sét, axit, bazơ vô cơ,… Các vi sinh vật, đặc biệt vi khuẩn gây bệnh và trứng giun sán trong nguồn nước là nguồn ô nhiễm đặc biệt.

    Con người trực tiếp sử dụng nguồn nước nhiễm bẩn hay qua các nhân tố lây bệnh sẽ truyền dẫn các bệnh dịch cho người như bệnh lỵ, thương hàn, bại liệt, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, tiêu chảy cấp tính. Nồng độ ô nhiễm đặc trưng của nước thải chợ thể hiện cụ thể ở bảng sau.

Quy trình công nghệ xử lý nước thải ở chợ

    Nước thải từ các khu vực buôn bán trong chợ phát sinh theo mạng lưới thoát nước chảy vào hố thu của trạm xử lý. Tại đây, để bảo vệ thiết bị và hệ thống đường ống công nghệ phía sau, song chắn rác thô được lắp đặt trong hố để loại bỏ các tạp chất có kích thước lớn ra khỏi nước thải. Sau đó nước thải sẽ được bơm lên bể điều hòa. Trước bể điều hòa đặt lưới lọc rác tinh (kích thước lưới 1 mm) để loại bỏ rác có kích thước nhỏ hơn làm giảm SS 15%, sau đó nước thải tự chảy xuống bể điều hòa.

    Tại bể điều hòa, hệ thống phân phối khí sẽ hoà trộn đồng đều nước thải trên toàn diện tích bể, ngăn ngừa hiện tượng lắng cặn ở bể sinh ra mùi khó chịu, đồng thời có chức năng điều hòa lưu lượng và nồng độ nước thải đầu vào.

    Nước thải từ bể điều hòa được bơm sang bể Aerotank. Bể Aerotank có nhiệm vụ xử lý các chất hữu cơ còn lại trong nước thải. Trong bể Aerotank diễn ra quá trình oxy hóa các chất hữu cơ hòa tan và dạng keo trong nước thải dưới sự tham gia của vi sinh vật hiếu khí. Trong bể Aerotank có hệ thống sục khí trên khắp diện tích bể nhằm cung cấp oxy, tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật hiếu khí sống, phát triển và phân giải các chất ô nhiễm.

    Vi sinh vật hiếu khí sẽ tiêu thụ các chất hữu cơ dạng keo và hòa tan có trong nước để sinh trưởng. Vi sinh vật phát triển thành quần thể dạng bông bùn dễ lắng gọi là bùn hoạt tính. Khi vi sinh vật phát triển mạnh, sinh khối tăng tạo thành bùn hoạt tính. Hàm lượng bùn hoạt tính nên duy trì ở nồng độ khoảng 2500 – 4000 mg/l.

    Do đó, một phần bùn lắng tại bể lắng sẽ được bơm tuần hoàn trở lại vào bể Aerotank để đảm bảo nồng độ bùn nhất định trong bể. Nước thải sau xử lý sinh học có mang theo bùn hoạt tính cần phải loại bỏ trước khi thải vào các bể tiếp theo, vì vậy bể lắng này có nhiệm vụ lắng và tách bùn hoạt tính ra khỏi nước thải. Nước sạch được thu đều trên bề mặt bể lắng thông qua máng tràn răng cưa. Nước thải sau bể lắng sẽ tự chảy sang bể trung gian. Nước thải từ bể trung gian được bơm lên bể lọc áp lực gồm các lớp vật liệu: sỏi đỡ, cát thạch anh và than hoạt tính để loại bỏ các hợp chất hữu cơ hòa tan, các nguyên tố dạng vết, những chất khó hoặc không phân giải sinh học. Nước thải sau khi qua bể lọc áp lực sẽ đi qua bể nano dạng khô để loại bỏ lượng SS còn lại, đồng thời khử trùng nước thải. Nước sau khi qua bể nano dạng khô đạt yêu cầu xả thải vào nguồn tiếp nhận theo quy định hiện hành của pháp luật.

    Bùn ở bể chứa bùn được bơm qua máy ép bùn băng tải để loại bỏ nước, giảm khối tích bùn. Bùn khô được các cơ quan chức năng thu gom và xử lý định kỳ. Tại bể chứa bùn, không khí được cấp vào bể để tránh mùi hôi sinh ra do sự phân hủy sinh học các chất hữu cơ.

<< 1 | 2 | 3 | 4 | 5 >>

Có thể bạn quan tâm

Tác nhân gây hại

 

Biện pháp cải tạo