Tác nhân gây hại và hậu quả
Nguyên nhân gây ra Biến đổi khí hậu
2013-11-29 18:431. Nguyên nhân do tự nhiên
Nguyên nhân gây ra BĐKH do tự nhiên bao gồm thay đổi cường độ sáng của Mặt trời, xuất hiện các điểm đen Mặt trời (Sunspots), các hoạt động núi lửa, thay đổi đại dương, thay đổi quỹ đạo quay của trái đất.
Xuất hiện các Sunspots trên Mặt trời (Nguồn:NASA)
Số Sunspots xuất hiện trung bình năm từ năm 1610 đến 2000. Với sự xuất hiện các Sunspots làm cho cường độ tia bức xạ mặt trời chiếu xuống trái đất thay đổi, nghĩa là năng lượng chiếu xuống mặt đất thay đổi làm thay đổi nhiệt độ bề mặt trái đất (Nguồn: NASA).
Sự thay đổi cường độ sáng của Mặt trời cũng gây ra sự thay đổi năng lượng chiếu xuống mặt đất thay đổi làm thay đổi nhiệt độ bề mặt trái đất. Cụ thể là từ khi tạo thành Mặt trời đến nay gần 4,5 tỷ năm cường độ sáng của Mặt trời đã tăng lên hơn 30%. Như vậy có thể thấy khoảng thời gian khá dài như vậy thì sự thay đổi cường độ sáng mặt trời là không ảnh hưởng đáng kể đến BĐKH.
Núi lửa phun trào - Khi một ngọn núi lửa phun trào sẽ phát thải vào khí quyển một lượng cực kỳ lớn khối lượng sulfur dioxide (SO2), hơi nước, bụi và tro vào bầu khí quyển. Khối lượng lớn khí và tro có thể ảnh hưởng đến khí hậu trong nhiều năm. Các hạt nhỏ được gọi là các sol khí được phun ra bởi núi lửa, các sol khí phản chiếu lại bức xạ (năng lượng) mặt trời trở lại vào không gian vì vậy chúng có tác dụng làm giảm nhiệt độ lớp bề mặt trái đất.
Đại dương ngày nay - Các đại dương là một thành phần chính của hệ thống khí hậu. Dòng hải lưu di chuyển một lượng lớn nhiệt trên khắp hành tinh. Thay đổi trong lưu thông đại dương có thể ảnh hưởng đến khí hậu thông qua sự chuyển động của CO2 vào trong khí quyển.
Thay đổi quỹ đạo quay của Trái Đất - Trái đất quay quanh Mặt trời với một quỹ đạo. Trục quay có góc nghiêng 23,5 °. Thay đổi độ nghiêng của quỹ đạo quay trái đất có thể dẫn đến những thay đổi nhỏ. Tốc độ thay đổi cực kỳ nhỏ có thể tính đến thời gian hàng tỷ năm, vì vậy có thể nói không ảnh hưởng lớn đến BĐKH.
Có thể thấy rằng các nguyên nhân gây ra BĐKH do các yếu tố tự nhiên đóng góp một phần rất nhỏ vào sự BĐKH và có tính chu kỳ kể từ quá khứ đến hiện nay. Theo các kết quả nghiên cứu và công bố từ Ủy Ban Liên Chính Phủ về BĐKH thì nguyên nhân gây ra BĐKH chủ yếu là do các hoạt động của con người. Mời quý vị độc giả theo dõi bài viết tiếp theo về nguyên nhân gây ra BĐKH do hoạt động của con người.
2. Nguyên nhân do con người
Kể từ thời kỳ tiền công nghiệp (khoảng từ năm 1750), con người đã sử dụng ngày càng nhiều năng lượng, chủ yếu từ các nguồn nguyên liệu hóa thạch (than, dầu, khí đốt), qua đó đã thải vào khí quyển ngày càng tăng các chất khí gây hiệu ứng nhà kính của khí quyển, dẫn đến tăng nhiệt độ của trái đất.
Những số liệu về hàm lượng khí CO2 trong khí quyển được xác định từ các lõi băng được khoan ở Greenland và Nam cực cho thấy, trong suốt chu kỳ băng hà và tan băng (khoảng 18.000 năm trước), hàm lượng khí CO2 trong khí quyển chỉ khoảng 180 -200ppm (phần triệu), nghĩa là chỉ bằng khoảng 70% so với thời kỳ tiền công nghiệp (280ppm). Từ khoảng năm 1.800, hàm lượng khí CO2 bắt đầu tăng lên, vượt con số 300ppm và đạt 379ppm vào năm 2005, nghĩa là tăng khoảng 31% so với thời kỳ tiền công nghiệp, vượt xa mức khí CO2 tự nhiên trong khoảng 650 nghìn năm qua.
Hàm lượng các khí nhà kính khác như khí mêtan (CH4), ôxit nitơ (N2O) cũng tăng lần lượt từ 715ppb (phần tỷ) và 270ppb trong thời kỳ tiền công nghiệp lên 1774ppb (151%) và 319ppb (17%) vào năm 2005. Riêng các chất khí chlorofluoro carbon (CFCs) vừa là khí nhà kính với tiềm năng làm nóng lên toàn cầu lớn gấp nhiều lần khí CO2, vừa là chất phá hủy tầng ôzôn bình lưu, chỉ mới có trong khí quyển do con người sản xuất ra kể từ khi công nghiệp làm lạnh, hóa mỹ phẩm phát triển.
Đánh giá khoa học của Ban liên chính phủ về BĐKH (IPCC) cho thấy, việc tiêu thụ năng lượng do đốt nhiên liệu hóa thạch trong các ngành sản xuất năng lượng, công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng… đóng góp khoảng một nửa (46%) vào sự nóng lên toàn cầu, phá rừng nhiệt đới đóng góp khoảng 18%, sản xuất nông nghiệp khoảng 9% các ngành sản xuất hóa chất (CFC, HCFC) khoảng 24%, còn lại (3%) là từ các hoạt động khác.
Từ năm 1840 đến 2004, tổng lượng phát thải khí CO2 của các nước giàu chiếm tới 70% tổng lượng phát thải khí CO2 toàn cầu, trong đó ở Hoa Kỳ và Anh trung bình mỗi người dân phát thải 1.100 tấn, gấp khoảng 17 lần ở Trung Quốc và 48 lần ở Ấn Độ.
Riêng năm 2004, lượng phát thải khí CO2 của Hoa Kỳ là 6 tỷ tấn, bằng khoảng 20% tổng lượng phát thải khí CO2 toàn cầu. Trung Quốc là nước phát thải lớn thứ 2 với 5 tỷ tấn CO2, tiếp theo là Liên bang Nga 1,5 tỷ tấn, Ấn Độ 1,3 tỷ tấn, Nhật Bản 1,2 tỷ tấn, CHLB Đức 800 triệu tấn, Canada 600 triệu tấn, Vương quốc Anh 580 triệu tấn. Các nước đang phát triển phát thải tổng cộng 12 tỷ tấn CO2, chiếm 42% tổng lượng phát thải toàn cầu so với 7 tỷ tấn năm 1990 (29% tổng lượng phát thải toàn cầu), cho thấy tốc độ phát thải khí CO2 của các nước này tăng khá nhanh trong khoảng 15 năm qua. Một số nước phát triển dựa vào đó để yêu cầu các nước đang phát triển cũng phải cam kết theo Công ước Biến đổi khí hậu.
Năm 1990, Việt Nam phát thải 21,4 triệu tấn CO2. Năm 2004, phát thải 98,6 triệu tấn CO2, tăng gần 5 lần, bình quân đầu người 1,2 tấn/năm (trung bình của thế giới là 4,5 tấn/năm, Singapo 12,4 tấn, Malaysia 7,5 tấn, Thái Lan 4,2 tấn, Trung Quốc 3,8 tấn, Inđônêxia 1,7 tấn, Philippin 1,0 tấn, Myanma 0,2 tấn, Lào 0,2 tấn).
Như vậy, phát thải các khí CO2 của Việt Nam tăng khá nhanh trong 15 năm qua, song vẫn ở mức thấp so với trung bình toàn cầu và nhiều nước trong khu vực. Dự tính tổng lượng phát thải các khí nhà kính của Việt Nam sẽ đạt 233,3 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2020, tăng 93% so với năm 1998.
Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là trong khi các nước giàu chỉ chiếm 15% dân số thế giới, nhưng tổng lượng phát thải của họ chiếm 45% tổng lượng phát thải toàn cầu; các nước châu Phi và cận Sahara với 11% dân số thế giới chỉ phát thải 2%, và các nước kém phát triển với 1/3 dân số thế giới chỉ phát thải 7% tổng lượng phát thải toàn cầu. Đó là điều mà các nước đang phát triển nêu ra về bình đẳng và nhân quyền tại các cuộc thương lượng về Công ước khí hậu và Nghị định thư Kyoto.
Chính vì thế, một nguyên tắc cơ bản, đầu tiên được ghi trong Công ước Khung của Liên hợp quốc về BĐKH là: “Các bên phải bảo vệ hệ thống khí hậu vì lợi ích của các thế hệ hôm nay và mai sau của nhân loại, trên cơ sở công bằng, phù hợp với trách nhiệm chung nhưng có phân biệt và bên các nước phát triển phải đi đầu trong việc đấu tranh chống BĐKH và những ảnh hưởng có hại của chúng”.
Các nguồn gây ô nhiễm và suy thoái đất
2013-11-29 18:401) Xói mòn, rửa trôi và sụt lở
Hiện tượng xói mòn, rửa trôi và sụt lở đất thường xảy ra vào mùa mưa lũ, làm suy thoái đất và gây nhiều hậu quả xấu đối với môi trường và con người.
Xói mòn bề mặt: Đây là hiện tượng xói mòn và rửa trôi bề mặt đất, cuốn đi các chất mùn, chất dinh dưỡng... gây ra tình trạng bạc màu và thoái hoá đất. Sự xói mòn bề mặt đã xảy ra ở nhiều nơi trong tỉnh, tạo nên những vùng đất trống, đồi núi trọc hoặc đất trơ sỏi đá.
Xói mòn xẻ rãnh: Khi đã vượt quá độ thấm nước của đất (hay đất bão hoà nước), nước mưa tập trung thành dòng theo 3 giai đoạn: i) tích tụ nước mưa trên mặt đất tạo thành các rãnh; ii) tập trung các dòng chảy nhỏ vào khe rãnh; iii) các khe nhỏ đổ vào suối và sông. Quá trình này lặp đi lặp lại trong thời gian dài sẽ làm cho các rãnh càng ngày càng sâu (có khi tới hàng chục mét). Đây chính là nguyên nhân gây sạt lở đất và lũ quét.
Xói mòn do gió: Tốc độ gió vùng ven biển thuờng khá lớn, nên cát ven bờ bị gió dịch chuyển thành các cồn cát hoặc bay, nhảy xa hơn vào sâu trong đất liền, che phủ lên đất canh tác màu mỡ, che phủ đường giao thông và cả các công trình dân sinh... và hậu quả là làm giảm chất lượng đất, ảnh hưởng đến dân sinh. Mặt khác, gió còn cuốn đi những hạt bụi đất vùng bị bạc màu, phá vỡ cấu trúc tầng mặt và tạo những cơn lốc bụi di chuyển. Các đám bụi bị bóc mòn từ nơi này được gió di chuyển đến lắng đọng lại nơi khác dưới dạng bụi ''hoàng thổ''.
Xói - lở và làm sụp đổ bờ sông: Đây là hiện tượng thuộc quá trình động lực của sông, gây ra những biến đổi về hình thái lòng sông và bãi bồi do tác động của chế độ thuỷ văn và hoạt động địa chất (xói mòn, tích tụ...). Quá trình xói lở bờ sông gồm 2 pha:
+ Pha một: Xói mòn chân bờ sông do dòng chảy kéo trôi các hạt đất ở bờ đi;
+ Pha hai: Sụp đổ bờ sông do quá trình trượt đất theo dạng cung tròn.
Bình thường, các bờ sông là các sườn dốc tự nhiên luôn ở trạng thái ổn định. Song, nếu xảy ra pha 1, làm độ dốc bờ sông tăng lên, sẽ dẫn đến xói lở mạnh và sụp đổ bờ sông (pha 2). Sự sụp đổ bờ sông gây bồi lắng lòng sông và mất đất vùng bờ.
Sự feralit hoá kết đá ong: Quá trình feralit hóa kết đá ong xảy ra phổ biến ở những vùng đồi tiếp giáp với đồng bằng. Quá trình này xảy ra do đặc điểm của quá trình thành tạo đất (đất xám bạc màu trên nền phù sa cổ thường xuất hiện kết vón đá ong) và dưới tác động của khí hậu. Hậu quả là làm đất trở nên “xương xẩu” và nghèo dinh dưỡng.
2) Phân bón và hoá chất bảo vệ thực vật
Phân bón hóa học và HCBVTV đã góp phần quan trọng vào tăng năng suất cây trồng, nhưng do tình trạng lạm dụng quá mức và kém hiểu biết của người dân trong việc sử dụng phân bón hoá học và HCBVTV, nên đã dẫn đến tình trạng suy thoái đất nông nghiệp (do làm giảm tính chất cơ lý của đất, tích luỹ nhiều kim loại nặng trong đất, làm tăng độ chua của đất...) và tồn dư quá mức HCBVTV trong môi trường đất, đặc biệt là các HCBVTV nhóm clo (DDT, 666, 2,4-D...), tác hại đến hệ sinh thái nông nghiệp.
3) Chất độc hoá học trong chiến tranh để lại
Chất độc da cam là hỗn hợp tỷ lệ 1 : 1 của este n-butyl của 2 thuốc diệt cỏ 2,4-D và 2,4,5-T. Do hỗn hợp thuốc diệt cỏ đó thường được chứa trong các thùng dung tích khoảng 200 lít, bên ngoài có sơn các dải sọc màu da cam, nên người ta thường gọi chung là chất độc da cam. Mặt khác, thuốc diệt cỏ 2,4,5-T thường chứa nhiều dioxin, cỡ 2 – 40 mg/kg(Paul L. Sutton, 2002), nên người ta thường gọi chung là chất độc da cam/dioxin. Dioxin là một nhóm gồm 75 chất (hay 75 thành viên) và là một trong những nhóm chất độc và nguy hiểm nhất được biết hiện nay trên thế giới. Các chất thuộc nhóm Dioxin và nhiều thuốc trừ sâu clo hữu cơ (điển hình là nhóm DDT) đều thuộc 12 chất/nhóm chất ô nhiễm hữu cơ tồn lưu (POPs – Persistant Organic Pollutants) bị cấm sản xuất và sử dụng trên toàn thế giới (theo Công ước Stôckhôm, mà Việt Nam đã tham gia ký kết năm 2001 tại Thuỵ Điển). Trong nhóm Dioxin, chất độc nhất cũng được gọi là dioxin chứa 4 nguyên tử clo trong phân tử (tên hoá học là 2,3,7,8 - tetraclodibenzo para-dioxin, viết tắt là TCDD). Các chất dioxin tồn lưu rất lâu dài trong các thành phần môi trường, tan tốt trong mô mỡ động vật và do vậy, có khả năng tích luỹ sinh học và khuyếch đại sinh học trong chuỗi thức ăn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ người và động vật.
Theo báo cáo của Paul L. Sutton tại Hội thảo khoa học Việt - Mỹ về các tác động đến môi trường và sức khoẻ của chất độc da cam/dioxin tổ chức ở Việt Nam vào tháng 3/2002, trong những năm chiến tranh từ 1961 đến 1971, khoảng 8 triệu galon (tương đương khoảng 36 triệu lít) chất độc da cam đã được rải xuống Việt Nam. Trong số đó, khối lượng rải trên địa bàn tỉnh Quảng Trị (ở Cam Lộ, Thành phốĐông Hà, Thị trấnKhe Sanh và thị xãQuảng Trị) là 1.350.000 lít (chiếm 3,75% cả nước). Huyện Cam Lộ là một trong những vùng bị rải nhiều nhất ở tỉnh Quảng Trị (khoảng 460.000 lít, chiếm khoảng 34% toàn tỉnh). Hậu quả để lại là đất đai bị ô nhiễm do dioxin tồn lưu lâu dài trong đất, nhiều cánh rừng xanh tốt trước đây nay vẫn chưa thể phục hồi. Đến nay, tuy chưa có những điều tra, đánh giá đầy đủ tồn dư của chất độc da cam/dioxin và các tác động của chúng đến môi trường và sức khoẻ, nhưng di chứng do nhiễm chất độc da cam để lại rất nặng nề cho nhân dân vùng Cam Lộ, đặc biệt là ở các xã Cam Nghĩa, Cam Chính và Cam Thành.
4) Các chất thải từ các hoạt động công nghiệp
Một số hoạt động công nghiệp làm phát sinh bụi, nước thải và chất thải rắn gây ô nhiễm môi trường đất (do không được thu gom và xử lý đúng quy định) như: bụi thải từ các nhà máy sản xuất xi măng, cơ sở sản xuất gạch ngói gây ô nhiễm đất khu vực lân cận; chất thải (nước thải và chất thải rắn) từ hoạt động sản xuất thép, cơ khí, gốm sứ, gia công kim loại, sửa chữa ôtô, xe máy... chứa nhiều kim loại nặng, dầu mỡ...; chất thải từ quá trình sản xuất giấy và bột giấy chứa nhiều chất hữu cơ khó phân huỷ, sunfua... tác hại đến vi sinh vật đất, chất lượng đất...
5) Hoạt động sản xuất khác
Hoạt động khai thác khoáng sản như khoáng ilmenit chứa titan làm phát sinh lượng lớn chất thải rắn (đất, cát, sỏi) che phủ nhiều vùng đất ven bờ, đồng thời làm tăng xâm nhập mặn từ biển vào các vùng khai thác làm nhiễm mặn đất và nước ngầm. Hoạt động nuôi tôm nước lợ/mặn vùng ven bờ cũng gây ra sự nhiễm mặn đất canh tác nông nghiệp. Sự nhiễm mặn tăng lên cũng có thể gây nhiễm phèn làm chua đất (hay suy giảm chất lượng đất).
Một số nguyên nhân gây ô nhiễm nước
2013-11-29 18:38Ô NHIỄM NƯỚC LÀ GÌ?
Hiến chương Châu Âu về nước đã định nghĩa:
“Ô nhiễm nước là sự biến đổi nói chung do con người đối với chất lượng nước, làm nhiễm bẩn nước và gây nguy hiểm cho con người, giải trí, cho động vật nuôi và các loài hoang dã”.
Ô nhiễm nước có nguồn gốc tự nhiên: Do mưa, tuyết tan, gió bão, lũ lụt đưa vào môi trường nước chất thải bẩn, các sinh vật và vi sinh vật có hại kể cả xác chết của chúng.
Ô nhiễm nước có nguồn gốc nhân tạo: Quá trình thải các chất độc hại chủ yếu dưới dạng lỏng như các chất thải sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vào môi trường nước.
Theo bản chất các tác nhân gây ô nhiễm, người ta phân ra các loại ô nhiễm nước: ô nhiễm vô cơ, ô nhiễm hữu cơ, ô nhiễm hóa chất, ô nhiễm sinh học, ô nhiễm bởi các tác nhân vật lý.
NƯỚC BỊ Ô NHIỄM KIM LOẠI NẶNG THẾ NÀO?
Kim loại nặng có Hg, Cd, Pb, As, Sb, Cr, Cu, Zn, Mn… thường không tham gia hoặc ít tham gia và quá trình sinh hóa của các thể sinh vật và thường tích lũy trong cơ thể chúng. Vì vậy, chúng là các nguyên tố độc hại với sinh vật. Hiện tượng nước bị nhiễm kim loại nặng thường gặp trong các lưu vực gần các khu công nghiệp, các thành phố lớn và các khu vực khai thác khoáng sản. Ô nhiễm kim loaii nặng biểu hiện ở nồng độ cao của các kim loại trong nước. Một số trường hợp xuất hiện hiện tượng chết hàng loạt các loại cá và thủy sinh vật.
Nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm kim loại nặng là quá trình đổ vào môi trường nước nước thải công nghiệp và nước thải độc hại không qua xử lý hoặc xử lý không đạt yêu cầu. Ô nhiễm nước bởi kim loại nặng có tác động tiêu cực tới môi trường sống của sinh vật và con người. Kim loại nặng tích lũy theo chuỗi thức ăn thâm nhập vào cơ thể người. Nước mặt bị ô nhiễm sẽ lan truyền các chất ô nhiễm vào nước ngầm, vào đất và các thành phần môi trường có liên quan khác. Để hạn chế ô nhiễm nước, cần phải tăng cường biện pháp xử lý nước thải công nghiệp, quản lý tốt vật nuôi trong môi trường có nguy cơ bị ô nhiễm như nuôi cá, trồng rau bằng nguồn nước thải.
NƯỚC BỊ Ô NHIỄM VI SINH VẬT NHƯ THẾ NÀO?
Sinh vật có mặt trong môi trường nước ở nhiều dạng khác nhau. Bên cạnh các sinh vật có ích thì có nhiều nhóm sinh vật gây bệnh hoặc truyền bệnh cho người và sinh vật khác. Trong số này, đáng chú ý là các loài vi khuẩn, siêu vi khuẩn và ký sinh trùng gây bệnh như các loài ký sinh trùng gây bệnh tả, lỵ, thương hàn, sốt rét, siêu vi khuẩn viêm gan B, siêu vi khuẩn viêm não Nhật Bản, giun đỏ, trứng giun…
Nguồn gây ô nhiễm sinh học cho môi trường nước chủ yếu là phân rác, nước thải sinh hoạt, xác chết sinh vật, nước thải bệnh viện… Để đánh giá chất lượng nước dưới góc độ ô nhiễm sinh học thì người ta sử dụng chỉ số Colifom. Đây là chỉ số phản ánh số lượng vi khuẩn Colifom có trong nước, thường không gây bệnh cho người và sinh vật, nhưng để biểu hiện sự ô nhiễm nước bởi tác nhân sinh học. Để xác định chỉ số Colifom người ta nuôi cấy mẫu trong các dung dịch đặc biệt và đếm số lượng chúng sau một thời gian nhất định. Ô nhiễm nước được xác định theo các giá trị tiêu chuẩn môi trường.
Hiện tượng trên thường gặp ở các nước đang phát triển và chậm phát triển trên thế giới. Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới năm 1992, nước bị ô nhiễm gây bênh tiêu chảy làm chết 3 triệu người và 900 triệu người mắc bệnh mỗi năm. Đã có năm số lượng người mắc bệnh giun đũa lên tới 900 triệu người và bệnh sán máng là 600 triệu người. Để hạn chế tác động tiêu cực của ô nhiễm sinh vật nguồn nước mặt, cần nghiên cứu các biện pháp xử lý nước thải, cải thiện tình trạng vệ sinh môi trường sống của dân cư, tổ chức tốt hoạt động y tế và dịch vụ công cộng.
NƯỚC BỊ Ô NHIỄM BỞI THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT VÀ PHÂN BÓN HÓA HỌC NHƯ THẾ NÀO?
Ô nhiễm nguồn nước bởi thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học là hiện tượng phổ biến trong các vùng nông nghiệp thâm canh trên thế giới. Trong quá trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học, một lượng đáng kể thuốc và phân không được cây trồng tiếp nhận. Chúng sẽ lan truyền và tích lũy trong đất, nước và các sản phẩn nông nghiệp dưới dạng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón.
Tác động tiêu cực khác của sự ô nhiễm thuốc bảo vệ thực vật và phân bón là làm suy giảm chất lượng môi trường khu vực canh tác nông nghiệp như phú dưỡng đất, nước, ô nhiễm đất, nước, làm giảm tính đa dạng sinh học của khu vực nông thôn, suy giảm các loại thiên địch, tăng khả năng chống chịu của sâu bệnh đối với thuốc bảo vệ thực vật.
NƯỚC NGẦM Ô NHIỄM NHƯ THẾ NÀO?
“Nước ngầm là một dạng nước dưới đất, tích trữ trong các lớp đất đá trầm tích bở rời như cặn, sạn, cát bột kết, trong các khe nứt, hang caxtơ dưới bề mặt đất, có thể khai thác cho các hoạt động sống của con người”.
Nước ngầm là nguồn cung cấp nước sinh hoạt chủ yếu ở nhiều quốc gia và vùng dân cư trên thế giới. Do vậy, ô nhiễm nước ngầm có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng môi trường sống của con người. Các tác nhân gây ô nhiễm và suy thoái nước ngầm bao gồm:
Các tác nhân tự nhiên như nhiễm mặn, nhiễm phèn, hàm lượng Fe, Mn và một số kim loại khác.
Các tác nhân nhân tạo như nồng độ kim loại nặng cao, hàm lượng NO3-, NO2-, NH4+, PO43-,… vượt quá tiêu chuẩn cho phép, ô nhiễm bởi vi sinh vật.
Suy thoái trữ lượng nước ngầm biểu hiện ở giảm công suất khai thác, hạ thấp mực nước ngầm, lún đất.
Ngày nay, tình trạng ô nhiễm và suy thoái nước ngầm đang phổ biến ở các khu vực đô thị và các thành phố lớn trên thế giới. Để hạn chế tác động ô nhiễm và suy thoái nước ngầm cần phải tiến hành đồng bộ các công tác điều tra, thăm dò trữ lượng và chất lượng nguồn nước ngầm, xử lý nước thải và chống ô nhiễm nguồn nước mặt, quan trắc thường xuyên trữ lượng và chất lượng nước ngầm.
Khí cười - hiểm họa của tầng ozon
2013-11-28 20:14Một nghiên cứu mới cho biết nitrous oxide (N2O), được nhiều người biết với cái tên “khí cười”, hiện nay là chất phân hủy tầng ozone do con người thải ra và nó có khả năng tồn tại suốt nhiều thế kỉ.
Lỗ thủng tầng Ozone tại Nam Cực
N2O được tạo ra bằng cách sản xuất phân bón ni tơ hay xử lí nước thải. Các nhà nghiên cứu cho biết nên giảm việc sử dụng loại hợp chất này để tránh làm mỏng tầng ozone bao quanh Trái đất.Tầng ozone che chở Trái đất khỏi tác hại của tia cực tím mặt trời, loại tia này tăng khả năng ung thư của con người cũng như đe dọa mùa màng và đời sống thủy sinh.Loại hóa chất Clorua-florua-cacbon (CFCs) do con người tạo ra được nhắc đến rầm rộ vào thập niên 80 khi con người nhận ra chúng đã đục thủng một vùng lớn tầng ozone ở những vùng cực. Năm 1987, hiệp ước quốc tế có tên Nghị định thư Montreal được kí kết, qui định chặt chẽ việc sản xuất CFC và những khí gây hại tầng ozone.
Đến năm 1996, những chất này hoàn toàn không còn được sử dụng.Từ sau đó, tầng ozone của Trái đất của cả hai vùng cực và của bầu khí quyển xung quanh hành tinh dần được phục hồi. Nhưng N2O là loại khí không có trong danh mục Nghị định thư Montreal. Và việc thải N2O có thể đảo ngược thành quả trên, thậm chí có thể khiến tình hình trở nên tồi tệ.A.R. Ravishankara thuộc Ban quản lí Khí quyển và Hải dương Mỹ, người dẫn đầu cuộc nghiên cứu mới cho biết hiện tại, N2O là khí thải làm phân hủy tầng ozone nghiêm trọng nhất và tầng ozone liên tục bị tấn công nếu chúng ta không kịp hành động.
Tác nhân gây hiệu ứng nhà kính
Một số loại phân bón được sử dụng tại các nông trại hiện đại làm tăng lượng N2O
Ông cho biết, N2O cũng là khí gây hiệu ứng nhà kính khi liên kết với khí metan hoặc CO2. Vì vậy việc ngăn chặn chúng cũng rất tốt đối với khí hậu.N2O được tạo thành tự nhiên khi vi khuẩn phân hủy ni tơ trong đất hoặc nước. N2O bốc lên tầng bình lưu, tại đây tia mặt trời phân tích chúng thành những phân tử ni tơ và oxy vô hại.
Tuy nhiên một số N2O vẫn tồn tại và có thể tồn tại hàng trăm năm. Hợp chất này phản ứng với nguyên tử oxy năng lượng cao để tạo thành hợp chất nitric oxide (NO). Chính hợp chất này là tác nhân phá hủy ozone.
Ravishankara chỉ ra rằng mặc dù N2O không làm thủng tầng ozone nhưng nó khiến toàn thể lớp ozone mỏng hơn.
Nguồn N2O phong phú và khó kiểm soát
Mô hình phân tử N2O
Quy trình hóa học này được biết từ những năm 70 khi các nhà khoa học lo lắng về hiệu ứng môi trường khi máy bay siêu thanh thải khí NO phá hủy tầng ozone. Ravishankara và cộng sự của ông là những người đầu tiên nhấn mạnh về tác hại của NO trong việc làm suy yếu tầng ozone. Để khẳng định điều này, họ đã tạo ra mô hình khí quyển và những phản ứng hóa học xảy ra bên trong nó. Họ nhận thấy rằng khả năng của N2O làm suy yếu tầng ozone có thể so sánh được với những chất làm suy yếu ozone khác được gọi là hydro CFCs, những chất này thay thế CFCs nhưng cũng đang trong quá trình ngưng dần việc sử dụng.Mặc dù có khả năng làm suy yếu tương đương nhưng N2O có thể có tác động phá hủy nhiều hơn bởi vì nguồn sản sinh chúng quá phong phú. Mỗi năm có khoảng 10 triệu tấn N2O bị thải ra môi trường, tương đương hơn 1 triệu tấn CFC các loại tại điểm thải cao nhất.
Tăng lên nhanh chóng
Biếm họa về hiện tượng nóng lên toàn cầu
Các nhà khoa học chỉ ra chúng ta đã hoàn toàn lờ đi vai trò của chính mình trong việc tạo ra loại khí nguy hại này. 1/3 tổng lượng N2O thải vào khí quyển là từ những hoạt động của con người như đốt cháy nguyên liệu hóa thạch, sử dụng phân bón gốc ni tơ, vận hành các nhà máy xử lí nước thải hay các quy trình công nghiệp khác liên quan đến ni tơ.Vì thế, cho dù máy bay siêu thanh không bao giờ cất cánh thì khí thải N2O hiện tại cũng phá hủy tầng ozone tương đương 500 chuyến bay một ngày. Mức thải tăng 0,25% một năm từ trước thời đại công nghiệp.
Don Wuebbes đến từ Đại học linois tại Urbana – Champaign, người phát minh ra phương pháp định lượng hóa chất tiềm tàng phá hủy ozone cho biết, N2O là một loại khí bị lãng quên. Con người luôn nó như một thứ thông thường trong tự nhiên và họ quên rằng nó đang tăng lên.
Biếm họa về hiện tượng nóng lên toàn cầu
Ravishankara cho biết khi mức CFC được giảm bớt, N2O thậm chí lại tác động mạnh hơn. Ni tơ và những hợp chất clo trung hòa tác động của nhau đối với tầng ozone – càng nhiều clo thì tác động phá hủy tầng ozone của ni tơ càng giảm và ngược lại. Khi CFC các loại được thanh lọc khỏi bầu khí quyển thì tác động của N2O tăng 50% khả năng so với trước. Wuebbles cho rằng trong khi chúng ta mong đợi tầng ozone sẽ dần hồi phục nhờ vào những hoạt động cắt giảm CFC thì N2O lại ngăn chặn điều đó xảy ra.
Nguyên nhân nào dẫn đến thủng tầng Ozon?
2013-11-28 20:12Tháng 10 năm 1985, các nhà khoa học Anh phát hiện thấy tầng khí ozon trên không trung Nam cực xuất hiện một "lỗ thủng" rất lớn, bằng diện tích nước Mỹ. Năm 1987, các nhà khoa học Đức lại phát hiện tầng khí ozon ở vùng trời Bắc cực có hiện tượng mỏng dần, có nghĩa là chẳng bao lâu nữa tầng ozon ở Bắc cực cũng sẽ bị thủng. Tin này nhanh chóng được truyền khắp thế giới và làm chấn động dư luận.
Các nhà khoa học đều cho rằng, nguyên nhân này có liên quan tới việc sản xuất và sử dụng tủ lạnh trên thế giới. Sở dĩ tủ lạnh có thể làm lạnh và bảo quản thực phẩm được lâu là vì trong hệ thống ống dẫn khép kín phía sau tủ lạnh có chứa loại dung dịch freon thể lỏng (thường gọi là "gas"). Nhờ có dung dịch hoá học này tủ lạnh mới làm lạnh được. Dung dịch freon có thể bay hơi thành thể khí. Khi chuyển sang thể khí, freon bốc thẳng lên tầng ozon trong khí quyển Trái đất và phá vỡ kết cầu tầng này, làm giảm nồng độ khí ozon.
Không những tủ lạnh, máy lạnh cần dùng đến freon mà trong dung dịch giặt tẩy, bình cứu hoả cũng sử dụng freon và các chất thuộc dạng freon. Trong quá trình sản xuất và sử dụng các hoá chất đó không tránh khỏi thất thoát một lượng lớn hoát chất dạng freon bốc hơi bay lên phá huỷ tầng ozon. Qua đó chúng ta thấy rằng, tầng zon bị thủng chính là do các chất khí thuộc dạng freon gây ra, các hoá chất đó không tự có trong thiên nhiên mà do con người tạo ra. Rõ ràng, con người là thủ phạm làm thủng tầng ozon, đe doạ sức khoẻ của chính mình.
Lỗ thủng tầng Ozone tại Nam Cực
Sớm ngừng sản xuất và sử dụng các hoá chất dạng freon là biện pháp hữu hiệu nhất để cứu tầng ozon. Nhiều hội thảo quốc tế đã bàn tính các biện pháp khắc phục nguy cơ thủng rộng tầng ozon. 112 nước thuộc khối Cộng đồng Châu Âu (EEC) đã nhất trí đến cuối thế kỷ này sẽ chấm dứt sản xuất và sử dụng các hoá chất thuộc dạng freon. Vì vậy các nhà khoa học đang nghiên cứu sản xuất loại hoá chất khác thay thế các hoá chất ở dạng freon, đồng thời sẽ chuyển giao công nghệ sản xuất cho các nước đang phát triển. Có như vậy, việc ngừng sản xuất freon mới trở thành hiện thực. Muốn đạt được yêu cầu thiết thực này, không chỉ riêng một vài nước mà cả thế giới đều phải cố gắng thì mới có thể bảo vệ được tầng ozon của Trái đất.
10 NGUYÊN NHÂN GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG
2013-11-28 20:07 Tổ chức Bảo vệ môi trường Green Cross của Thụy Sĩ và Viện Blacksmith của Mỹ đã công bố kết quả nghiên cứu và đưa ra 10 nguyên nhân ô nhiễm môi trường gây tác hại nghiêm trọng nhất trên thế giới.
1. Khai thác vàng thủ công
Với phương tiện đơn giản nhất như quặng vàng trộn lẫn với thủy ngân, hỗn hợp này sẽ được nung chảy, thủy ngân bốc hơi, chất còn lại là vàng. Hậu quả, người khai thác hít khí độc, còn chất thải thủy ngân gây ô nhiễm, môi trường, tích tụ trong cây cối, động vật và từ đó lan sang chuỗi thực phẩm.
2. Ô nhiễm mặt nước
Dân số tăng, tài nguyên nước ngày càng khan hiếm và bị ô nhiễm nặng nề. Con người bị nhiễm độc có thể do uống phải nước hoặc ăn thức ăn bị nhiễm độc.
3. Ô nhiễm nước ngầm
Tại các khu đô thị, việc chọn vị trí đổ chất thải hoặc nhà vệ sinh làm không tốt nên chất độc cũng như các tác nhân gây bệnh có thể ngấm vào nguồn nước ngầm. Ngoài ra, các loại dầu máy thải, chất tẩy rửa, thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học dùng trong nông nghiệp cũng gây ô nhiễm nguồn nước ngầm.
4. Ô nhiễm không khí do môi trường sống
Hơn 50% dân số thế giới, chủ yếu ở các nước đang phát triển, sử dụng than, củi và rơm rạ để đun nấu. Đây là nguyên nhân gây 3 triệu ca tử vong hằng năm trên thế giới và 4% trường hợp bị đau ốm. Việc đun nấu thường diễn ra ở một khu vực chật chội, không có hệ thống thoát khí.
5. Khai khoáng công nghiệp
Khó khăn lớn nhất là xử lý chất thải dưới dạng đất đá và bùn. Chất thải này có thể có các hóa chất độc hại mà người ta sử dụng để tách quặng khỏi đất đá. Chất thải ở các mỏ thường có các hợp chất sulfid-kim loại, chúng có thể tạo thành axít, với khối lượng lớn chúng có thể gây hại đối với đồng ruộng và nguồn nước ở xung quanh. Bùn từ các khu mỏ chảy ra sông suối có thể gây ùn tắc dòng chảy từ đó gây lũ lụt.
6. Các lò nung và chế biến hợp kim
Trong quá trình sản xuất và chế biến các kim loại như đồng, ni-ken, kẽm, bạc, cobalt, vàng và cadmium, môi trường bị ảnh hưởng nặng bởi các chất thải như: hydrofluor, sunfua-dioxit, nitơ-oxit khói độc cũng như các kim loại nặng như chì, arsen, chrom, cadmium, ni-ken, đồng và kẽm. Một lượng lớn axít-sunfuaric được sử dụng để chế biến. Chất thải rắn độc hại cũng gây hại đến môi trường. Thông thường con người hít thở các chất độc hại này hoặc chúng thâm nhập vào chuỗi thực phẩm.
7. Chất thải phóng xạ và chất thải từ việc khai thác urani
Chất phóng xạ được sử dụng để sản xuất điện, dùng trong lĩnh vực quân sự và y học. Việc xử lý chất thải phóng xạ từ các lò phản ứng dưới dạng thanh đốt vô cùng khó khăn. Việc chôn vĩnh viễn loại chất thải này hầu như là chuyện không thể. Quá trình khai thác urani tuy không tạo ra chất thải phóng xạ nguy hiểm, nhưng lại tạo ra một lượng lớn chất thải có lượng phóng xạ tương đối thấp.
8. Nước thải không được xử lý
Ở nhiều vùng, phân người và nước thải sinh hoạt không được xử lý nước thải mà quay trở lại vòng tuần hoàn của nước. Nước thải không được xử lý chảy vào sông rạch và ao hồ gây thiếu hụt ôxy làm cho nhiều loại động vật và cây cỏ không thể tồn tại. Theo WHO, trong năm 2008, có khoảng 2,6 tỉ người không được tiếp cận với các công trình vệ sinh. Đây chính là nguyên nhân vì sao ở các TP, nước bị ô nhiễm nặng nề bởi chất bài tiết của con người. Mỗi năm có khoảng 1,5 triệu người chết liên quan đến nước thải không được xử lý.
9. Ô nhiễm không khí ở các đô thị
Khí thải từ xe máy, ô tô, các nhà máy điện, khu công nghiệp chứa nhiều hợp chất độc hại và bụi mịn. Những chất này khi phản ứng với ánh sáng mặt trời hình thành những hợp chất mới, ví dụ ozon, loại khí này ở gần mặt đất rất độc hại.
Theo dự đoán của WHO, mỗi năm có khoảng 865.000 trường hợp tử vong do ô nhiễm không khí gây nên.
10. Sử dụng lại bình ắc quy
Ắc quy ô tô có nhiều tấm chì ngâm trong axít có thể nạp điện để sử dụng nhiều lần. Những bình ắc quy cũ này thường được vận chuyển từ các nước giàu sang các nước nghèo thuộc thế giới thứ ba để tái sử dụng. Việc tháo gỡ các bình ắc quy này được thực hiện hết sức thủ công và không bảo đảm điều kiện an toàn nên thường xảy ra các vụ ngộ độc chì đối với những lao động tiếp xúc trực tiếp với bình ắc quy cũ. Ngoài ra, về lâu dài, nó còn gây ngộ độc mãn tính: chì tích tụ dần do khối lượng rất nhỏ qua hệ thống hô hấp và tích tụ ở xương.