Hóa học và sức khỏe

7 vi khuẩn gây hại có trong thực phẩm

2013-12-14 16:03

1. E.coli

        Vi khuẩn Escherichia coli sống trong ruột người và động vật như bò, cừu và dê. Nó còn được tìm thấy trong thịt bò chưa nấu chín, sữa và nước trái cây chưa xử lý, nước ô nhiễm.

            Khi nhiễm khuẩn E.coli, người bệnh sẽ bị tiêu chảy nghiêm trọng, bụng đau quặn và ói từ 5 đến 10 ngày. Chủng E.coli O157:H7 có thể khiến người bệnh xuất huyết tiêu hóa, suy thận, thậm chí tử vong.

2. Campylobacter

        Campylobacter jejuni là vi khuẩn có hình dạng xoắn ốc, thường có ở thịt gà, bò.

            Phần lớn người nhiễm khuẩn này sẽ tiêu chảy, vọp bẻ, đau dạ dày và sốt 2 đến 5 ngày. Nặng hơn, có thể tiêu chảy ra máu kèm buồn nôn, ói. Các triệu chứng này kéo dài khoảng 1 tuần.

            Khuẩn Campylobacter rất nguy hiểm đối với trẻ nhỏ, người già và những người bị suy giảm miễn dịch.

3. Listeria

        Listeria monocytogenes là vi khuẩn được tìm thấy trong đất, nước, thịt sống, thức ăn đã chế biến và sữa chưa tiệt trùng. Không giống như những loại khác, vi khuẩn Listeria monocytogenes có thể sống và phát triển trong môi trường lạnh (ví dụ trong tủ lạnh).

            Triệu chứng khi bị nhiễm khuẩn này bao gồm sốt, cảm lạnh, đau đầu, rối loạn tiêu hóa và ói. Ở nhiều người, bệnh có thể nghiêm trọng hơn và đe dọa tính mạng.

            Phụ nữ có thai, bào thai, người trên 50 tuổi và người bị suy giảm miễn dịch rất dễ bị nhiễm khuẩn này.

4. Vibrio

            Vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus sống trong nước mặn, thường có trong hải sản. Người thích ăn hải sản sống, chưa nấu chín sẽ dễ bị nhiễm khuẩn này.

        Trong vòng 24 giờ, người nhiễm khuẩn sẽ có triệu chứng tiêu chảy nước, bụng đau quặn, buồn nôn, ói, sốt và cảm lạnh.

5. Toxoplasma

        Khi vi khuẩn Toxoplasma phát triển thành bệnh Toxoplasmosis, sẽ xuất hiện triệu chứng đau đầu, nhức mỏi cơ thể và sốt.

        Khuẩn này cũng có thể gây ra tình trạng nghiêm trọng hơn như tổn thương não, mắt và các cơ quan khác ở phụ nữ mang thai và người bị suy yếu hệ miễn dịch.

        Phần lớn người nhiễm Toxoplasmosis là do tiếp xúc với phân mèo có chứa loại vi khuẩn này, ăn phải thịt ôi thiu, chưa nấu chín, thịt sống, uống nước nhiễm khuẩn.

6. Salmonella

        Salmonella là một nhóm các vi khuẩn thường có ở thịt gia cầm sống, trứng, thịt bò, rau quả, trái cây chưa rửa sạch.

        Triệu chứng khi nhiễm bệnh: sốt, tiêu chảy, bụng đau quặn, đau đầu, kéo dài 4 đến 7 ngày.

        Phần lớn trường hợp nhiễm khuẩn này sẽ lành bệnh sau khi điều trị, nhưng có thể nghiêm trọng hơn ở người già, trẻ sơ sinh và người mắc bệnh mãn tính. Nếu không được điều trị đúng cách, Salmonella có thể lan rộng đến các cơ quan trong cơ thể, gây tử vong.

7. Norovirus

       Norovirus được tìm thấy trong thực thẩm hay thức uống nhiễm bẩn. Chúng có thể sống trên các bề mặt và lây lan qua tiếp xúc với người nhiễm.

        Triệu chứng nhiễm khuẩn có thể kéo dài trong vài ngày gồm buồn nôn, co thắt dạ dày, ói, tiêu chảy, đau đầu, sốt và mệt mỏi.

        Phần lớn người nhiễm khuẩn sẽ hết bệnh. Tuy nhiên, những người không uống đủ nước để thay thế lượng nước đã mất do ói và tiêu chảy thì cần phải nhập viện điều trị.

       Để phòng tránh các loại vi khuẩn trên, cần phải rửa sạch, nấu chín thức ăn. Tránh uống sữa chưa tiệt trùng, chùi rửa dụng cụ nhà bếp sau khi sử dụng, không để thịt lâu hơn 3 đến 5 ngày trong tủ lạnh, rửa tay sạch bằng xà phòng khi chế biến thức ăn, tránh uống nước chưa xử lý, phải tránh tiếp xúc với phân mèo khi mang thai, diệt vi trùng trên các bề mặt trong nhà bếp và phòng tắm.

Những thành phần quan trọng trong sữa

2013-12-14 15:54

      Trong sữa có 5 thành phần quan trọng là đạm, béo, đường lactose, vi khoáng chất và nước. Và tỉ lệ các chất này sẽ quyết định chất lượng cũng như màu sắc, độ đặc của sữa.

        

            Sữa là một nguồn protein tuyệt vời bởi các protein trong sữa có cấu trúc phân tử lớn, không hòa tan trong nước. Có hai loại protein trong sữa là casein và whey.Các protein casein trong sữa kết hợp với một số khoáng chất trong sữa và hình thành các mixen (chứa khoảng 65% nước, còn lại là các casein và khoáng gồm can-xi, ma-giê, phốt-phát…).

            Ánh sáng phản xạ từ các mixen làm cho sữa có màu trắng.

            Protein casein sẽ đông lại, tách khỏi nước khi có axit. Casein trong sữa “túm tụm” lại với nhau và hoạt động như những bọt biển nhỏ để giữ nước. Chúng có thể chứa và giữ tới 70% nước cho mỗi mảnh cợn sữa. Axit, muối hay nhiệt độ cao có thể khiến các casein đông này bị mất nước.

            Đạm whey cũng bị đông lại dưới sức nóng, chứ không phải là axit và muối. Đây chính là bí quyết cơ bản để tạo ra sữa chua và phô-mai.

Chất béo

            Sữa cũng là một nguồn chất béo dồi dào. Chất béo nổi trên sữa nước. Có nhiều loại chất béo khác nhau trong sữa.

            Các chất béo trong sữa thường có cholesterol thấp. Trong bơ, hàm lượng chất béo cao hơn và thường giá của nó cũng cao hơn sản phẩm sữa.

            Ở sữa tươi, những hạt chất béo sẽ gắn kết với nhau, lớn đến mức nổi lên bề mặt sữa, tạo ra 2 lớp khác nhau. Để ngăn chặn điều này xảy ra, hầu hết sữa đóng hộp đều phải được xử lý chia nhỏ các phân tử chất béo để tạo sự đồng nhất.

Đường lactose

            Sữa cũng chứa một số carbon hydrate dưới dạng đường tự nhiên. Đường trong sữa được gọi là lactose và chỉ tìm thấy trong trong sữa. Lactose tạo vị hơi ngọt cho sữa. Lactose chỉ có thể được tiêu hóa bởi 1 enzyme đặc biệt do cơ thể sản xuất.

            Một số người không thể uống sữa tươi vì họ không thể tiêu hóa lactose trong sữa. Cơ thể họ thiếu enzym lactase trong hệ tiêu hóa.

            Không có lactase, lactose không thể phân chia thành glucose và galactose để có thể hấp thụ và đốt cháy thành năng lượng. Khi lactose lên men trong hệ tiêu hóa, nó sẽ sinh ra khí và 1 số axit (những người bất dung nạp lactose sẽ không thể chuyển hóa năng lượng từ lactose). Lactose sẽ bị caramen hóa khi sữa được làm nóng và sẽ biến sữa thành màu xỉn.

Vitamin và khoáng chất

            Sữa là một nguồn tuyệt vời của rất nhiều vitamin và khoáng chất. Can-xi và ma-giê giúp các mixen trong sữa ổn định. Can-xi giúp tăng cường sức khỏe cho xương và răng.

            Sữa cũng rất giàu riboflavin, một vitamin có thể bị phá hủy bởi ánh sáng, vì vậy cần bảo quản sữa trong những hộp ngăn ánh sáng.

           Chất béo trong sữa có chứa vitamin A.

            Rất nhiều sản phẩm sữa được bổ sung vitamin D.

Kali xyanua

2013-12-14 06:49

     Kali xyanua, xyanua kali là tên gọi của một loại hợp chất hóa học không màu của kali có công thức KCN. Nó có mùi giống như mùi quả hạnh nhân, có hình thức bề ngoài giống như đường và hòa tan nhiều trong nước. Là một trong số rất ít chất có khả năng tạo ra các phức chất của vàng (Au) hòa tan được trong nước, vì thế nó được sử dụng trong ngành kim hoàn để mạ hay đánh bóng bằng phương pháp hóa học. Đôi khi nó cũng được sử dụng trong ngành khai thác các mỏ vàng để tách vàng ra khỏi quặng vàng (mặc dù xyanua natri được sử dụng phổ biến hơn). Cho đến những năm thập niên 1970 nó còn được sử dụng trong thuốc diệt chuột.

    Là một chất kịch độc, gây chết người với liều lượng thấp. Chỉ cần ăn nhầm từ 300 đến 400 mg chất này thì một người khỏe mạnh có thể mất ý thức trong vòng 10 giây đến 1 phút. Sau khoảng 45 phút thì rơi vào trạng thái hôn mê và có thể tử vong sau khoảng 2 giờ nếu không có các biện pháp điều trị kịp thời. Theo phân loại trong hướng dẫn số 67/548/EEC của liên minh châu Âu thì nó là chất cực độc (T+). Giới hạn phơi nhiễm tối đa (PEL) của OSHA là 5 mg/m3. Còn theo quyết định số 3733/2002/QĐ-BYT ngày 10 tháng 10 năm 2002 của Bộ Y tế Việt Nam thì giới hạn này là 3 mg/m3 trong môi trường sản xuất.

Cơ chế ngộ độc

    Giống như các hợp chất xyanua khác, xyanua kali gây độc bằng cách ngăn chặn sự trao đổi chất của tế bào. Xyanua kali có khả năng tạo liên kết hóa học với các heme trong máu (như hemoglobin), làm cho các tế bào không lấy được ôxy và bị hủy hoại.

Các chất giải độc xyanua kali: 

  •     Sectfact Khi bị ngộ độc xyanua kali, cần sơ cứu nạn nhân bằng cách cho thở bằng khí ôxy. Trong các phân xưởng có sử dụng xyanua kali, thường có sẵn bộ cấp cứu trong trường hợp nhiễm độc, bao gồm các chất amyl nitrat, nitrít natri, xanh methylen và natri thiosulphate. 
  •     Đường glucozơ Đường glucozơ có khả năng làm chậm lại đáng kể quá trình gây độc của xyanua kali, đồng thời bảo vệ các tế bào bằng cách tạo liên kết hóa học với xyanua kali. Tuy nhiên Glucozơ không có khả năng giải độc.

Tác hại của khói pháo

2013-12-13 19:36

       Trước đây, hàng năm, cứ đến đêm giao thừa, nhà nhà lại đốt pháo để đón chào năm mới. Sau tràng tiếng nổ đinh tai, nhức óc, trên mặt đất còn lại đầy xác pháo và các đám khói mù mịt. Tập tục này tuy có đem đến cho mọi người niềm hân hoan, phấn khỏi trong ngày lễ hội nhưng cũng tạo nên những nguy hại

        Nguyên liệu để làm pháo là thuốc nổ có thành phần chủ yếu là lưu huỳnh, bột than, muối nitrat (kali nitrat) hoặc kali clorat. Theo các tài liệu lịch sử còn lại, ở Trung Quốc người ta đã biết làm pháo từ hơn 1000 năm về trước. Khi đốt pháo, ngoài các tiếng nổ đùng đoàng, tạch tạch, cùng ánh sáng nhiều màu, nhiều vẻ của pháo hoa còn có các đám bụi khói. Bụi khói pháo tuỳ thuộc thành phần phối chế thuốc pháo mà có thể khác nhau. Ví dụ người ta có thể đưa vào thành phần thuốc pháo bột kim loại magie, nhôm, anitmon... cũng như các muối stronti nitrat, bari nitrat, natri nitrat... và bụi khói chính là oxit của các kim loại đó.

                       

         Khi đã biết thành phần chủ yếu của thuốc pháo ta có thể suy đoán các sản phẩm tạo ra sau khi đốt pháo không khó lắm. Ví dụ khi ta đốt pháo đùng hoặc pháo bánh, khi pháo nổ, thuốc nổ cháy sẽ sinh ra lượng lớn khí lưu huỳnh đioxit, nitơ đioxit, cacbon đioxit, cacbon monoxit là những khí có hại cho sức khoẻ con người và bụi của các oxit kim loại. Trong đó lưu huỳnh đioxit, nitơ đioxit là những chất có tính ăn mòn, tính axit và tính oxy hoá - khử rất mạnh. Chính các chất khí này khi hoà tan vào nước mưa sẽ tạo nên các đám mưa axit. Khi đốt quá nhiều pháo nổ mà gặp lúc không có gió, áp suất khí quyển thấp thì không có cách nào làm chobay tản đi nơi khác, sẽ kích thích mạnh đường hô hấp khiến người ta ho, viêm phế quản.

 

       Khi làm pháo, khi vận chuyển, khi đốt, trong một số bước tiến hành nếu có sơ suất có thể làm nổ một lượng lớn thuốc pháo hoặc pháo thành phẩm, có thể gây thương vong lớn. Vì vậy người ta cấm đưa thuốc pháo và pháo lên các phương tiện giao thông vận tải như máy bay, ô tô, tàu hoả, tàu thuyền... Ở nước ta, trước đây trong các ngày lễ tết, đặc biệt vào dịp tết Nguyên đán xảy ra rất nhiều trường hợp thương vong do thuốc pháo, và pháo trong khi sản xuất và đốt pháo nổ.

                         

       Ngoài ra khi đốt pháo nổ, tiếng pháo nổ đinh tai cũng gây tiếng ồn lớn, góp phần gây tiếng ồn ở các thành phố. Khi đốt pháo bất ngờ có thể làm cho trẻ em, khách bộ hành kinh hoàng, gây tác động có hại cho trật tự công cộng.

Vì các tác dụng có hại nghiêm trọng nêu ở nước ta đã có quy định cấm đốt pháo nổ và đã được đại đa số dân chúng tự giác chấp hành.

Dầu cá có thể chữa được bệnh cúm

2013-12-04 13:39

        Các nhà khoa học tại Nhật phát hiện một loại chất béo có trong dầu cá có thể ngăn chặn virus cúm sinh sản

        Bệnh cúm là một bệnh truyền nhiễm do virus cúm gây ra, lây lan nhanh khi người bệnh hắt hơi và ho. Virus cúm làm người bệnh sốt cao, nhức đầu, đau nhức toàn thân, mệt mỏi và đau họng. Virus cúm cũng có thể gây bệnh viêm phổi nguy hiểm đến tính mạng.

        Hiện tại đã có thuốc chích ngừa cúm nhưng do virus biến đổi liên tục, các chủng mới liên tục xuất hiện nên thuốc ngừa cúm hiện tại chỉ có tác dụng bảo vệ khoảng 60%. Các thuốc kháng virus thì không hiệu quả khi chích cho người đã bị nhiễm bệnh được ít nhất hai ngày.

        Nhà khoa học Yumiko Imai tại Trường đại học Akita (Nhật Bản) và các đồng nghiệp nghiên cứu để tìm ra loại thuốc hữu hiệu chống lại bệnh cúm. Họ nghiên cứu chất béo PD1 ở tế bào phổi người đã nhiễm nhiều chủng virus cúm. Đây là chất béo tự nhiên có trong axit béo omega-3 ở dầu cá.

        Nhóm nghiên cứu phát hiện PD1 có thể ngăn virus sinh sản, bao gồm cả virus cúm gia cầm H5N1. Các cuộc thử nghiệm khác ở chuột nhiễm cúm cũng cho thấy khi dùng PD1 kết hợp với các thuốc kháng virus khác thì có thể làm tăng tỉ lệ sống sót.Kết quả cũng tương tự ngay cả khi đối tượng đã nhiễm bệnh được 2 ngày.

        Kết quả nghiên cứu hứa hẹn khả năng phát triển được loại thuốc chống lại virus cúm hữu hiệu hơn.

10 mẹo hữu ích ngăn ngừa bệnh tim

2013-12-04 05:40

    Giảm thiểu sử dụng các chất nhiều calo, thực phẩm ít dinh dưỡng như bánh nướng, khoai tây chiên, các loại ngũ cốc có đường đóng hộp. Học cách quản lý, kiểm soát căng thẳng...

    Bệnh tim mạch là một bệnh phổ biến, gây ảnh hưởng xấu đến cuộc sống và tuổi thọ của chúng ta. Ba yếu tố nguy cơ chính là nghiện hút thuốc lá, huyết áp cao và các chứng viêm. Dưới đây là một số lời khuyên giúp bạn có thể ngăn ngừa các vấn đề liên quan đến tim mạch. Ngay cả khi ba mẹ của bạn có cholesterol cao hoặc bị tim bẩm sinh, bạn cũng có thể tránh khỏi hoặc ít nhất có thể làm chậm phát triển những ảnh hưởng một cách chủ động bằng lối sống lành mạnh.

1. Kiểm soát cân nặng, bỏ hút thuốc

    Duy trì trọng lượng lý tưởng của bạn càng ổn định càng tốt. Nếu bạn hút thuốc lá thì hãy làm mọi cách có thể để từ bỏ nó.

2. Giảm lượng chất béo động vật

    Giảm thiểu tiêu thụ mỡ động vật, đặc biệt là các sản phẩm bơ sữa quá nhiều. Nó sẽ làm tăng cholesterol nhiều hơn các thực phẩm khác. Tất cả các chất béo có thể làm tăng tình trạng viêm nhiễm, đây là một trong những nguyên nhân chính của bệnh tim mạch và các bệnh khác, cũng như làm tăng cả cholesterol toàn phần lẫn cholesterol có hại LDL.

10 mẹo hữu ích ngăn ngừa bệnh tim
Chế độ ăn hợp lý góp phần ngăn ngừa bệnh tim mạch. (Ảnh: thenutritionpost)

3. Hạn chế thực phẩm giàu năng lượng, ít dinh dưỡng

    Giảm thiểu sử dụng các chất nhiều calo, thực phẩm ít dinh dưỡng như bánh nướng, khoai tây chiên, các loại ngũ cốc có đường đóng hộp, thực phẩm chế biến khác, cũng như các loại đồ ăn nhẹ từ khoai tây chiên đến thịt ướp muối. Những loại này gây ra bệnh béo phì, một mối đe dọa đối với bệnh tim mạch. Tránh tiếp xúc với hóa chất càng nhiều càng tốt, sẽ làm giảm kích thích mạch máu, được cho là xuất phát điểm chính của sự hình mảng xơ vữa động mạch và các mạch máu, từ đó gây ra bệnh tim mạch.

4. Có chương trình tập thể dục hợp lý

    Tập thể dục thường xuyên với một chương trình cân bằng bao gồm sự kéo dài linh hoạt, tập thể dục nhịp điệu tạo sức chịu đựng, sự dẻo dai. Điều này giúp giảm trọng lượng cơ thể, huyết áp và cholesterol. Tập thể dục cũng làm giảm lượng cholesterol có hại LDL và làm tăng lượng cholesterol tốt HDL cho cơ thể. Hơn nữa tập thể dục còn mang lại một tinh thần minh mẫn, một trái tim khỏe mạnh.

5. Tăng cường thực phẩm nhiều xơ, ít calo

    Ăn thực phẩm giàu dinh dưỡng, nhiều chất xơ và ít calo như rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu và trái cây. Chế độ ăn uống này có thể giúp bạn sống lâu hơn.

6. Khuyến khích các loại hạt

    Cung cấp cho cơ thể loại dầu chất lượng tốt bằng cách ăn các loại hạt (không ướp muối, hữu cơ) như hạnh nhân, quả óc chó, hạt hướng dương, hạt bí ngô, cộng với bơ cũng như omega-3 có trong cá như cá hồi, cá mòi (tốt hơn khi ăn với cải xanh). Sử dụng dầu ô liu như một loại dầu ăn.

7. Chú trọng các vitamin có lợi tim mạch

    Bổ sung dinh dưỡng được cho là ngăn ngừa bệnh tim mạch bao gồm vitamin C, E, D; axit béo omega-3 và các vitamin nhóm B ( đặc biệt B3, B6, B12 và folic axit) để duy trì sự trao đổi chất cholesterol một cách bình thường và giảm thiểu mức độ homocysteine.

8. Tập trung các chất dinh dưỡng đặc biệt

    Chất dinh dưỡng đặc biệt có thể ngăn ngừa và điều trị bệnh sớm là L-carnitine, Coenzyme Q-10, Chromium, Niacin.

9. Kiểm soát căng thẳng

    Học cách quản lý, kiểm soát căng thẳng của mình, hãy để sự tức giận, thất vọng trôi qua và truyền đạt cảm xúc một cách tỉnh táo, không tiêu cực. Hãy tập tha thứ và hướng về phía trước và luôn ý thức về những gì bạn đã học được từ kinh nghiệm cuộc sống để tránh những sai lầm lặp lại.

10. Phát triển mối quan hệ

    Phát triển những mối quan hệ thân thiết mà bạn có thể dựa vào khi cần hỗ trợ. Luôn mở rộng lòng mình, sẵn sàng cho đi và nhận lại những yêu thương.

<< 1 | 2 | 3 | 4 | 5 >>

 

Có thể bạn quan tâm