Hóa học và sức khỏe

Làm thế nào để tránh bị dị ứng khi ăn dứa ?

2013-11-29 07:06

Dứa vừa có vị chua, vừa có vị ngọt, có mùi thơm hấp dẫn và lượng dinh dưỡng cao.

Trong dứa có một chất anbuminoit có tác dụng làm tăng cường sự phân giải protein vì thế sau khi ăn nhiều thịt cá có lượng protein quá cao, khó tiêu thì nên ăn một ít dứa để kích thích tiêu hoá.

Chứng dị ứng dứa là do chất anbuminoit trong dứa gây ra. Chất này làm tăng tính xuyên thẩm cho niêm mạc của dạ dày, dẫn đến hiện tượng protein trong đường ruột thấm vào máu do đó gây ra chứng dị ứng.

Triệu chứng của dị ứng dứa như nôn mửa, đau bụng, da bị phát ngứa lưỡi miệng bị tê, ra mồ hôi, hít thở khó khăn...

Để tránh dị ứng dứa, sau khi đã gọt vỏ cắt dứa thành miếng nhỏ, thả vào nước muối nhạt ngâm một lúc hoặc cho vào nước sau đó làm tăng nhiệt độ để tẩy chất anbuminoit trong dứa.

Những nguyên tố vi lượng nào cần cho cơ thể?

2013-11-29 06:58

    Cơ thể con người có chứa tới 18 nguyên tố hoá học. Có 4 nguyên tố đa lượng là cacbon, oxi, hiđro, nitơ. Chúng tạo thành nước, protein, xương, cơ và chiếm tới 96% trọng lượng cơ thể. Số còn lại chỉ chiếm 4% nên gọi là các nguyên tố vi lượng (NTVL).

    Các NTVL hỗ trợ các phản ứng hoá học trong tế bào, giúp cơ thể sử dụng chất đạm, mỡ và đường, giúp làm vững chắc xương và điều khiển cơ, thần kinh. Các NTVL còn tương tác với các chất khác nhau như các vitamin.

    Các NTVL, tuy chỉ cần một lượng rất nhỏ song lại rất quan trọng vì khi thiếu chúng, chúng ta sẽ mắc những căn bệnh nguy hiểm. Tất nhiên các NTVL nằm trong thành phần của các hợp chất và cơ thể được cung cấp bởi thức ăn.

Sau đây là các NTVL rất cần thiết cho cơ thể:

  • Iốt: iốt điều hoà sự phát triển bình thường của xương, sự phát triển của hệ thần kinh trung ương ở trẻ nhỏ. Thiếu iốt tuyến giáp sẽ to ra, gây nên bệnh biếu cổ. Hàng triệu người trên thế giới bị khuyết tật về tâm thần do cơ thể thiếu iốt. Iốt có nhiều trong hải sản. Hàng ngày chúng ta nên dùng muối iốt (trộn 25mg KI vào 1kg muối ăn).
  •  Sắt: Sắt rất cần để hình thành hemoglobin trong hồng cầu. Sắt cũng là thành phần của nhiều loại enzim. Thiếu sắt sẽ bị thiếu máu, biểu hiện qua làn da nhợt nhạt, mệt mỏi, khó thở và giảm sức đề kháng.

    Thức ăn chứa sắt cơ thể dễ hấp thụ bao gồm gan, tim và bồ dục. Những thức ăn khác chứa nhiều sắt nhưng khó hấp thụ hơn là lòng đỏ trứng, cá, tôm, cua, sò, hến, bột mì và rau xanh.

  •  Kẽm: gần 10 loại enzim cần có kẽm để hoàn thành các phản ứng hoá học trong tế bào. Mất đi một lượng nhỏ kẽm làm cho đàn ông sụt cần, giảm khả năng tình dục và có thể mắc bệnh vô sinh. Phụ nữ trong thời kỳ mang thai mà thiếu kẽm sẽ làm giảm trọng lượng trẻ sơ sinh, thậm chí thai có thể chết. Một số người có vị giác hay khứu giác bất thường do thiếu kẽm. Kẽm cùng cần thiết cho thị lực, kẽm giúp cơ thể chống lại bệnh tật. Bạch cầu cần có kẽm để chống lại nhiễm trùng và ung thư.

     

    Nguồn thức ăn giàu kẽm là từ động vật như thịt sữa, trứng gà, cá, tôm, cua...

  • Mangan: mangan góp phần vào sự vững chắc của xương. Phụ nữ lớn tuổi bị loãng xương có lượng mangan trong máu thấp hơn so với phụ nữ cùng tuổi không bị loãng xương. Mangan còn có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát lượng insulin trong cơ thể.

     

    Các thực phẩm giàu mangan gồm gạo, rau cải xanh, thịt, trứng, sữa...

  • Crom: Các nhà nghiên cứu tại Bộ nông nghiệp Mỹ cho biết thiếu crom liên quan đến sự hạ đường huyết làm cho bệnh nhân chóng mặt, cồn cào, nhịp tim đập loạn xạ.

     

    Gạo, thịt, men bia, phomat là những thứ chứa nhiều crom.

  • Flo: Flo là NTVL quan trọng đối với sức khoẻ. Một hợp chất của flo gọi là florua được 30 quốc gia cho thêm vào nước máy vì chất florua phòng người hiệu quả các bệnh gây tổn thương răng. Nguồn flo rất phong phú trong lá chè.

  • Selen: Từ năm 1957 các nhà khoa học đã nhận thấy một loại bệnh tim có nguyên nhân do thiếu selen. Nhiều nghiên cứu cho thấy selen có thể giúp phòng ngừa ung thư, bệnh tim và một số bệnh khác.

  • Kali: Kali giữ vai trò quan trọng trong việc hình thành các protein và phá vỡ các cabohydrat. Nó cũng cộng tác với natri để truyền những xung thần kinh giữa các tế bào và trong việc điều  tiết sự cân bằng nước.

     

    Trái cây rất giàu kali, nhất là chuối, cam, quýt. Thực phẩm tươi chứa nhiều kali hơn thực phẩm nấu chín. Nhìn chung sự thiếu hụt kali hiếm khi xảy ra.

    Ngoài các NTVL trên, một số NTVL khác cũng cần cho cơ thể như: asen, bo, đồng, niken, silic...

    Cơ thể cũng cần một lượng lớn các chất khoáng bao gồm canxi, photpho, magiê, natri, kali và clo.

    Các NTVL rất cần thiết cho cơ thể nhưng chỉ cần một lượng nhỏ, nếu dư thừa chúng thì lại có hại. Chẳng hạn như quá nhiều sắt sẽ nguy hiểm vì làm tổn thương tim, gan, tuỵ. Quá nhiều kẽm trong cơ thể có thể gây hại như nôn mửa, đau dạ dày, yếu cơ và tổn thương thần kinh. Những nghiên cứu gần đây cho biết hàm lượng kẽm cao trong cơ thể có liên quan đến bệnh mất trí, hay gặp ở người cao tuổi.

    Các bác sĩ khuyên chúng ta rằng cách tốt nhất để có thể nhận vừa đủ các NTVL là cân đối khẩu phần ăn hàng ngày gồm hỗn hợp các thức ăn chế biến từ lúa gạo, rau quả, thịt cá, trứng sữa.

Những món thường có trong ngày tết có ý nghĩa hoá học và nhân văn như thế nào?

2013-11-29 06:51

· Mâm ngũ quả: Tết nguyên Đán là tết lớn nhất trong năm. Ngày tết, trên bàn thờ nhà nào cũng có mâm ngũ quả (5 loại quả). Mâm ngũ quả thể hiện lòng thành kính và tưởng nhớ của con cháu với tổ tiên. Màu sắc và hình dạng của các trái cây trong mâm ngũ quả tạo nên sự hài hoà và sang trọng của bàn thờ, đồng thời cũng gây cho con người cảm giác hưng phấn, sảng khoái, tính thẩm mỹ, gần gũi với thiên nhiên.

Triết lý cơ bản của mâm ngũ quả là: "con số 5 là số trung tâm của vũ trụ; vũ trụ hình thành do tập hợp của ngũ hành: KIM, MỘC, THUỶ, HOẢ, THỔ".

Số 5 đã đi vào tiềm thức của người Việt nam như ngũ tạng, ngũ quan, ngũ sắc, ngũ vị, gậy trúc 5 đốt, áo bà ba 5 cúc...

Ngũ quả ấy là gì? Tuỳ theo cây, trái ở mỗi miền mà mâm ngũ quả cũng khác nhau.

Ở miền Bắc, mâm ngũ quả gồm 2 loại quả chủ đạo là nải chuối xanh và quả bưởi to còn nguyên cuống với cành lá. Ba loại quả khác thường là phật thủ, cam, quýt, táo, hồng xiêm...

Ở miền Nam mâm ngũ quả cũng lấy nải chuối làm chủ đạo. Ba loại trái cây khác thường là dừa, xoài, đu đủ, mãng cầu... ý nghĩa dí dỏm là năm mới "cầu đủ xài".

Về ý nghĩa hoá học, mâm ngũ quả cung cấp cho ta đường glucozơ cùng nhiều loại sinh tố (A, B, C,... ) các axit hữu cơ và các chất xơ rất cần thiết cho hệ tiêu hoá.

· Xôi gấc: Xôi gấc là một loại thực phẩm sang trọng thường được dùng trong các dịp lễ, tết như ngày tiễn ống Táo về Trời, lễ cúng giao thừa. Màu đỏ của xôi gấc thể hiện lòng trung thành và sự tôn nghiêm. Màu đỏ là màu của nhiệt tình và hi vọng, ý chí và vị tha, quyền lực và bổng lộc. Vị ngọt của xôi gấc là do đường saccarozơ pha chế vào, đồng thời cũng là vị ngọt của glucozơ do tinh bột thuỷ phân tạo ra.

Màu đỏ của xôi gấc chủ yếu do caroten là licopen có trong gấc.

Caroten có công thức phân tử C40 H56 (chất màu vàng da cam có nhiều trong củ cà rốt) chứa 11 liên kết đôi C = C, hai đầu mạch là hai vòng b - ionon tạo nên một hệ liên hợp những nhóm mang màu. Caroten có 3 đồng phân a, b, g trong đó đồng phân b có hoạt tính cao hơn cả. Sinh tố A hay caroten trong gấc giúp trẻ con chóng lớn, tăng thị lực và chữa các bệnh về mắt làm cho viết thương màu lành.

Licopen cũng có công thức phân tử là C40H56 (chất màu đỏ có nhiều trong quả cà chua chín) có 13 liên kết đôi C = C trong phân tử.

Về mặt dinh dưỡng, cứ 100 gam xôi gấc cho ta năng lượng khoảng 287,6 Kcal. Năng lượng này tạo ra do sự chuyển hoá của 4,97 gam protein; 7,43 gam lipít, 48,37 gam gluxit, 5,53 gam caroten, 0,08 gam vitamin B1...

Như vậy xôi gấc là thực phẩm sang trọng, mang tính thẩm mỹ và giàu năng lượng.

· Món cá: Các món ăn trong ngày tết rất phong phú và đa dạng  phần lớn được chế biến từ thịt lợn (heo) và thịt gia cầm.

Các món ăn chế biến từ thịt lợn như giò, chả, nem, ninh, mọc... dễ làm cho ta ngấy khi ăn. Từ xưa, ông cha ta đã thấy rõ điều đó nên nhiều địa phương có tập quán chế biến món ăn trong ngày Tết từ cá.

Trong cá có nhiều nguyên tố selen, cơ thể chúng ta cần selen để cấu thành loại enzim, ngăn cản những gốc tự do gây hại và là nguồn gốc của sự già nua. Như vậy selen trong cá góp phần chống lão hoá, nó thanh xuân hoá con người.

Các nhà khoa học đã phát hiện rằng người Eskimo ở Bắc cực ăn toàn mỡ cá không bị dư cholesterol, rất ít bị cao huyết áp. Mỡ cá có các axit eicosapentaeoic và docosahexaeoic được gọi chung là "Omega - 3 chưa no" gây phản ứng chuyển hoá lipoprotein, giảm tổng hợp apolipoprotein beta, tăng lượng lipoprotein tỷ trọng cao là thành phần tốt của cholesterol, giúp tạo ra màng tế bào cùng hocmon steroit và axit mật. Lipoprotein tỷ trọng thấp mới là thành phần có hại, gây tắc động mạch.

Người Nhật có thói quen ăn mỗi tuần từ 3 đến 5 bữa cá và thường ăn cá vào các dịp lễ tết hoặc chiêu đãi thượng khách. Do ăn nhiều cá, ít ăn thịt mà tuổi thọ trung bình của người Nhật thuộc hạng cao nhất trên thế giới.

Axit mạnh – Di chứng để lại cơ thể nạn nhân

2013-11-29 06:26

      Tạt axit là một trong những hành vi bạo lực đáng lên án trong xã hội ngày nay. Nạn nhân của hành động ấy phải đối mặt với các chấn thương, tổn hại về cả sức khỏe, thể chất lẫn tâm lý, tinh thần. 

       Bản chất của việc bỏng do axit gây ra là hiện tượng phản ứng giữa axit hoạt động hóa mạnh với các chất hữu cơ trên cơ thể người. Thông thường, có 3 loại axit vô cơ mạnh thường gây bỏng đó là axit sunfuric (H2SO4), axit nitric (HNO3) và axit clohidric (HCl).  Đây đều là các axit có tính oxy hóa mạnh, nhất là ở nồng độ đậm đặc, nó sẽ gây bỏng và tổn thương nhanh chóng nếu tiếp xúc trực tiếp với chúng qua da. 

        Theo các chuyên gia, do tính chất oxy hóa mạnh nên khi tác động lên cơ thể, axit phá hủy cấu trúc mô như da, mỡ, gân, cơ… gây hoại tử từ ngoài vào trong theo cơ chế đông vón protein của cơ thể.

        Sở dĩ axit gây bỏng trên cơ thể người là bởi axit phản ứng với các protein trên cơ thể có trong tóc, móng chân, móng tay, da… Theo đó, khi tiếp xúc với da, axit làm ngưng kết các protein của mô và hút nước của tế bào. Chúng cũng hóa hợp với protein tạo thành protein axit. Quá trình này gây rối loạn liên kết peptid, lắng đọng tổ chức keo, protein mô bị kết tủa hoàn toàn. Nồng độ axit càng đặc, thời gian tiếp xúc càng dài thì bỏng, hoại tử càng nặng và sâu.

       Tùy từng loại axit cũng như việc bỏng axit ở các vị trí tiếp xúc, ta có thể chia ra làm nhiều cấp độ bỏng. Song dù bị bỏng ở cấp độ nào, chúng cũng đều gây tổn hại đến sức khỏe và để lại di chứng suốt đời cho nạn nhân. Axit nitric gây ra vết thương màu vàng rồi chuyển dần thành màu sẫm. Axit clohidric tạo những vết thương có màu vàng nâu. Nhưng có một điểm chung đó là các vết bỏng sau khi lành lại sẽ gây ra di chứng sẹo lồi, sẹo co kéo, đặc biệt ở trẻ em.

        Hầu như bất cứ bộ phận nào của cơ thể tiếp xúc trực tiếp với 3 loại axit kể trên đều sẽ bị tổn hại. Nếu bị tạt axit đậm đặc vào phần đầu, axit có thể gây bỏng sâu, ăn mòn và phá hủy một phần hộp sọ. Cùng với đó, tóc biến mất và phần da đầu chỗ đó không bao giờ mọc lại nữa. 

        Đối với tai, mũi, tiếp xúc với axit có thể gây ra điếc, mũi teo tóp, biến dạng, lỗ mũi đóng kín hoàn toàn. Nguyên nhân là do lớp sụn ở tai, mũi có thành phần chính là nước, protein và collagen. Axit đậm đặc, nhất là axit sunfuric đặc rất háo nước sẽ nhanh chóng hút nước của sụn, ngưng kết lõi protein bên trong và phá hủy sụn hoàn toàn, gây biến dạng bộ phận tiếp xúc

       Trong trường hợp axit bắn vào mắt, miệng, nạn nhân có thể mất hoàn toàn đôi môi, mí mắt bị đốt cháy hay biến dạng. Lúc này, việc ăn uống, sinh hoạt trở nên vô cùng khó khăn. Nếu axit bị bắn trực tiếp vào mắt thì sẽ gây bỏng võng mạc, nguy cơ mù lòa của nạn nhân là rất cao.

       Một giả thuyết khác được tính đến đó là khi nạn nhân vô tình hít phải hơi axit đậm đặc trong quá trình bị bỏng trực tiếp do axit. Hơi này gây tổn thương đường hô hấp, nếu nồng độ cao có thể gây phù phổi, thậm chí là tử vong.

       Tình huống nặng nhất có thể xét tới đó là nạn nhân chẳng may uống hay nuốt phải các axit mạnh như axit sunfuric (H2SO4) và axit nitric (HNO3). Theo các bác sĩ, nếu nuốt phải axit thì khi nó đi tới đâu sẽ phá hủy bộ phận cơ thể tương ứng tới đấy bởi hai loại axit này háo nước cực mạnh, chúng sẽ hút sạch nước, ngưng kết lõi protein từ vòm họng cho tới thực quản, dạ dày…

        Tóm lại việc cơ thể tiếp xúc trực tiếp với các axit mạnh là rất nguy hiểm và nó để lại nhiều di chứng. Mọi người cần nâng cao hiểu biết, hết sức cẩn thận khi tiếp xúc với axit để tự bảo vệ sức khoẻ cho bản thân mình.

Vì sao thức ăn nấu khê cháy dễ gây ung thư ?

2013-11-25 13:07

Theo các chuyên gia của tổ chức y tế thế giới, nấu thức ăn quá cháy dễ gây ung thư. Chất asparagin trong thực phẩm dưới nhiệt độ cao sẽ kết hợp với đường tự nhiên trong rau quả, hay các thực phẩm giàu chất cacbohiđrat tạo thành chất acylamid, tác nhân chính gây ra bệnh ung thư.

Ăn nhiều thịt hun khói và các chất bảo quản thực phẩm chứa nitrosamin có trong rau ngâm, thịt hun khói làm gia tăng ung thư miệng, thực quản, thanh quản, dạ dày. Ăn nhiều chất béo có liên quan đến ung thư vú, đại tràng, trực tràng, niêm mạc tử cung.

 

Thuốc trừ sâu nitrofen là chất gây ung thư và dị tật bào thai. Hoá chất độc hại ethinnylestradiol và bisphenol A có trong túi nilong và hộp nhựa tái sinh dùng đựng thức ăn gây hại cho bào thai.

Pho mát và sôcola gây nên bệnh đau đầu ?

2013-11-24 10:15

Các bác sĩ Anh đã nghiên cứu và giả thuyết rằng một trong những nguyên nhân gây bệnh đau đầu ghê gớm có thể là những hợp chất hoá học có trong phomat và sôcôla như các chất tiramin và phêninlêtilamin. Tiramin có thể bị phân huỷ thành norađrênalin, chất này có tác dụng điều hoà hoạt động của não. Trong cơ thể của những người khoẻ mạnh, những hợp chất này bị phân huỷ nhanh chóng, còn những người yếu đau không có khả năng phân huỷ, nên gây ra đau đầu ghê gớm.

<< 3 | 4 | 5 | 6 | 7 >>

 

Có thể bạn quan tâm