Hóa dược

Khoáng tố magie giảm nguy cơ tiểu đường

2013-12-16 22:55
            Bổ sung magie có thể cải thiện độ nhạy cảm insulin và giúp giảm nguy cơ bệnh tiểu đường ở những người thừa cân - một phát hiện mới của nhóm nghiên cứu người Đức do Giáo sư Frank Christoph Mooren đứng đầu.

Bổ sung hàng ngày khoáng tố trong vòng 6 tháng đã cải thiện được 2/3 mức độ nhạy cảm insulin, so với nhóm sử dụng giả dược (không được sử dụng khoáng tố), trong khi đó tỉ lệ đường huyết được cải thiện khoảng 7%.

            Kết quả nghiên cứu cung cấp dẫn chứng cho thấy bổ sung magie cải thiện được vấn đề kháng insulin trong béo phì, những người bị kháng insulin. Kháng insulin là tình trạng insulin bị giảm mất hiệu quả tác dụng điều hòa đường huyết cho dù nồng độ insulin trong máu vẫn bình thường, thậm chí cao hơn đi chăng nữa nhưng vẫn mất kiểm soát đường huyết. Đây là biểu hiện của tiểu đường type 2 (không phụ thuộc insulin) chiếm đến 90% tỷ lệ số ca mắc bệnh. Theo thống kê, tại Mỹ có khoảng 24 triệu người đang chống chọi với tiểu đường và tỉ lệ bị mắc bệnh càng gia tăng.

            Magie trong chế độ dinh dưỡng

            Các thực phẩm giàu magie là rau xanh, rau có lá, thịt, tinh bột và quả hạch, sữa. Một số điều tra tiến hành trước đó cho thấy một bộ phận lớn người trưởng thành không được cung cấp đủ magie theo nhu cầu, 320 mg/ngày đối với phụ nữ và 420 mg/ngày đối với đàn ông.

              

            Theo thống kê của tập đoàn Freedonia, nhu cầu các chất dinh dưỡng và khoáng chất của toàn thế giới sẽ lên đến 12,6 tỷ đôla trong năm 2013, tăng 6,4 % so với năm ngoái. Cũng theo thống kê này, cùng với canxi, nhu cầu magie tăng nhanh nhất. Bên cạnh đó, nhu cầu một số thành phần dinh dưỡng thiết yếu khác cũng tăng như protein đậu nành, isoflavone, chất xơ hòa tan, axit béo omega – 3, probiotic và carotenoid.

            Kết quả nghiên cứu

            Trong nghiên cứu này, 27 người được bổ sung magie dưới dạng magnesium-aspartate-hydrochloride 365 mg/ngày và 25 người dùng nhóm giả dược trong 6 tháng.

            Theo giáo sư Frank Christoph Mooren, một vài cơ chế có thể chịu trách nhiệm trong hiệu quả của magie lên tình trạng kháng insulin. Có thể magie gây ra những tác động trực tiếp lên cơ quan thụ cảm và cả trong quá trình truyền tín hiệu trước đó, tăng cường hoạt động của các enzyme sử dụng glucose, ngăn ngừa sự quá tải canxi nội bào – một trong các ảnh hưởng tiêu cực đến độ nhạy cảm insulin. Và cuối cùng magie còn tác động chống viêm, một cơ chế đã được biết đến trong viêc cải thiện kháng insulin.

            Cũng theo một nghiên cứu đi trước của các nhà khoa học Thụy Điển (2007) đã cho thấy việc cứ tăng hấp thụ 100 mg magie có thể giảm 15% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2.

Thay thế chất béo – giải pháp tốt cho người bệnh đái tháo đường?

2013-12-16 22:47

            Hiện nay, các nhà sản xuất thực phẩm có xu hướng sử dụng những hợp chất thay thế chất béo trong nhiều sản phẩm khác nhau. Đó là những chất có vị tương tự như dầu mỡ nhưng không bị chuyển hóa như chất béo của cơ thể. Đây được xem là giải pháp tốt để kiếm soát lipid máu ở người bệnh ĐTĐ. Có ba loại chất thay thế chất béo cơ bản: loại có nguồn gốc từ chất bột đuờng, loại có nguồn gốc từ chất đạm và loại có nguồn gốc từ chất béo.

       

        1. Chất thay thế gốc từ chất bột đuờng: được sử dụng trong nhiều loại thực phẩm, gồm pho mát, sốt trộn salad, thịt chế biến và các loại đồ ngọt. Theo một số chuyên gia dinh duỡng, người bị tiểu đường nên thận trọng khi sử dụng nhóm chất thay thế này vì chúng có thể làm tăng đường huyết. Nhóm chất này bao gồm:

*Các polymer carbohydrat (còn gọi là các hydrocolloid): tan trong nước như gôm, tinh bột và các maltodextrin, được lấy chủ yếu từ bột sắn, ngô, khoai tây và tinh bột gạo.

* Các carbohydrat phức: là các tinh bột được biến đổi, đảm bảo tính keo và đông đặc thường thấy trong nước sốt salad, đồ tráng miệng đông lạnh và đồ nướng. Những chất này giữ lượng nước gấp 3 lần trọng lượng của nó.

* Các chất gôm, gel và chất xơ: các chất gôm bao gồm guar, pectin và gôm xanthan là những chất thay thế chất béo được dùng sớm nhất nhờ tác dụng như chất ổn định và chất tạo nhũ tương để đảm bảo cấu trúc. Những sản phẩm này nói chung cung cấp khoảng 0-4 kcal/g

* Các chất thay thế chất béo nguồn gốc từ trái cây thường được sử dụng trong nấu ăn. Chúng có thể giúp giảm lượng béo nhưng lại làm tăng lượng carbohydrat. Điều này gây ảnh hưởng đến việc kiểm soát nồng độ của glucose máu, vì thế cần cân nhắc khi sử dụng phải đối với người bệnh đái tháo đường.

* Các polyalcohol, các thành phần độn: được tạo ra bằng cách biến đổi các carbohydrat đơn như sucrose, dextrose hoặc siro ngô, chúng chỉ chứa 1,6 đến 3,0 kcal/ kg vì được chuyển hóa một phần từ những loại đường trên. Chúng cung cấp chất độn hoặc tạo thể tích với độ ngọt vào khoảng 40-80% của sucrose. Ngoài những chức năng như thành phần độn, các chất này giúp thay thế chất béo nhờ có tác động như chất giữ ẩm và tạo kết cấu. Các thực phẩm sử dụng các thành phần độn này là các loại kẹo và đồ tráng miệng đông lạnh từ sữa. Nhưng nếu sử dụng quá mức có thể gây tác dụng nhuận tràng. Đây là điều mà những người xây dựng chế độ ăn cho người bệnh đái tháo đường cần lưu ý khi giúp người bệnh thiết lập chế độ ăn uống hợp lý.

        2. Chất thay thế chất béo có nguồn gốc từ chất đạm: được sử dụng từ năm 1990, là các protein biến đổi từ protein lòng trắng trứng và protein sữa. Nguyên tắc là các protein được đun nóng và pha trộn hoặc làm biến dạng ở nhiệt độ rất cao, dẫn đến tạo thành các hạt vi thể. Khi được đưa vào thực phẩm, các hạt này tạo cảm giác béo như của chất béo nhưng không chứa kcal như chất béo. Các chất thay thế chất béo gốc protein cung cấp 1-5 kcal/g so với mức 9 kcal/g của chất béo thật sự.

Nhóm chất thay thế này không thích hợp để chiên xào, nhưng chúng có thể sử dụng trong nhiều loại thực phẩm nóng như súp kem, các sản phẩm thanh trùng và bánh nướng. Những người bị dị ứng với trứng hoặc sữa có thể dị ứng luôn với các sản phẩm có chứa loại chất béo thay thế này.

        3. Chất thay thế có nguồn gốc chất béo: chứa các axit béo đã được biến đổi sao cho cung cấp ít hơn hoặc không cung cấp năng lượng. Một số chất thay thế có nguồn gốc chất béo, như olestra (lean), không được hấp thu khi đi vào cơ thể và không cung cấp năng lượng. Olestra là một chất được tổng hợp bằng cách gắn acid béo vào đường sucrose. Khi ăn, olestra không bị men tiêu hoá của người cũng như vi sinh vật trong ruột tiêu hóa, nên nó không sinh ra năng lượng. Hơn nữa, khi được bài tiết nó lại kéo theo một số hợp chất có cholesterol, nên có thể làm hạ cholesterol trong máu. Salatrim (benefat), một sản phẩm mới hơn, chỉ bị hấp thu một phần và cung cấp khoảng 5 kcal /g (so với 9 kcal/g chất béo thông thường). Loại chất béo thay thế này có nhiều ưu điểm như khả năng chịu nhiệt và tính linh hoạt do đó chúng thường được sử dụng trong sô cô la, mứt, bánh nướng, và đồ ăn nhẹ.

            Mặc dù hiện tại cả olestra và salatrim đều được sử dụng trong các sản phẩm trên thị trường, sự an toàn của chúng đã bị thẩm vấn bởi các nhà khoa học và các tổ chức cộng đồng, đặc biệt là Trung tâm Khoa học vì lợi ích cộng đồng (CSPI). Theo CSPI, nghiên cứu cho thấy rằng những chất thay thế chất béo có thể gây co thắt ruột và tiêu chảy ở một số người. Các nghiên cứu lâm sàng cũng cho thấy olestra làm giảm hấp thu các chất dinh dưỡng hòa tan trong chất béo, bao gồm các vitamin A, D, E, K, và carotenoids, khi ăn cùng một lúc với olestra. Để cải thiện tình trạng này, khi dùng thực phẩm có chứa olestra người bệnh cần được bổ sung các loại vitamin này với hàm lượng cao hơn.

            Các nghiên cứu không kết luận rằng những chất thay thế chất béo có tác dụng giảm cân, vì một số trường hợp sử dụng chúng, người bệnh đã bù đắp tình trạng thiếu năng lượng bằng cách ăn nhiều hơn. Chính vì vậy, các nhà khoa học khuyến cáo rằng, để đạt hiệu quả của việc sử dụng nhóm chất thay thế này, bên cạnh việc xem xét thành phần dinh dưỡng và năng lượng trên mỗi sản phẩm, người bệnh cần kết hợp với một chế độ ăn uống và luyện tập hợp lý.

Kẽm trong phòng chống ung thư đường tiêu hoá

2013-12-16 22:44

            Ung thư các bộ phận của đường tiêu hoá như vòm miệng, thực quản, dạ dày, đại tràng... được chứng minh là có liên quan đến thói quen ăn uống. Những món ăn như thịt cá hun khói, thịt nướng, chả nướng ... có mùi thơm quyến rũ do chất mỡ và đạm được đốt cháy trên ngọn lửa, than hồng là do sinh ra các hợp chất hoá học có vòng thơm (ví dụ N-Nitrosomethyl-benzylamine-NMBA ), là thủ phạm gây ung thư đường tiêu hoá.

            Một số nghiên cứu dịch tễ học cho thấy tỷ lệ ung thư đường tiêu hoá (miệng, thực quản, dạ dầy... ) ở Trung quốc cũng như một số nước Châu Á cao hơn các châu lục khác là có liên quan đến thói quen ăn các món ăn kể trên. Gần đây một số vitamin và chất khoáng cũng như các chất chống oxy hoá trong thực phẩm được chứng minh là có vai trò phòng chống ung thư, làm chậm quá trình lão hoá ở người.

            Kẽm là một vi khoáng đã được biết đến với vai trò kích thích tăng trưởng, tăng miễn dịch, phòng chống các bệnh nhiễm trùng ở người và động vật, đặc biệt là phòng chống bệnh nhiễm trùng hô hấp và tiêu chẩy ở trẻ em. Từ năm 2001-2003 Tạp chí Nghiên cứu về Ung thư của Mỹ đã công bố nhiều nghiên cứu phát hiện ra vai trò của kẽm trong phòng chống ung thư thực quản ở chuột thực nghiệm.

         Các tác giả cho chuột ăn một chế độ thiếu kẽm (0-3ppm, ZD) trong vòng 5 tuần, sau đó được bơm một liều NMBA (chất gây ung thư thực quản) với liều 2mg/kg cân nặng của chuột vào đường miệng, đây là một mô hình gây ung thư thực nghiệm đường tiêu hoá đã được áp dụng rộng dãi trong thập kỷ qua. Sau khi nhận chất gây ung thư NMBA, ngay lập tức một nhóm chuột được chuyển sang ăn chế độ phục hồi đủ kẽm (75ppm, ZR), một nhóm vẫn tiếp tục ăn chế độ thiếu kẽm như trước. Các theo dõi biến đổi về tế bào học của biểu mô thực quản được thực hiện sau 1 giờ, 24 giờ, 72 giờ và 432 giờ (18 ngày).

            Thật là ngạc nhiên, kết quả cho thấy ở nhóm chuột được ăn chế độ phục hồi đủ kẽm có tỷ lệ xuất hiện khối u biểu mô thực quản là 8%, ít hơn hắn so với nhóm chuột đối chứng (vẫn ăn chế độ thiếu kẽm) có tỷ lệ xuất hiện khối u là 93% tại thời điểm 15tuần sau ăn chất gây ung thư NMBA.

            Các tác giả đã chứng minh cơ chế tác dụng của kẽm trong phòng chống ung thư là liên quan tới sự lập trình chết (Apoptosis) của tế bào biểu mô thực quản khi tiếp xúc với chất gây ung thư.

Bằng theo dõi phát triển tế bào, nghiên cứu đã cho thấy quá trình Apoptosis được thiết lập rất sớm 5-30 phút ngay khi tiếp xúc với chất độc NMBA. Hình thái của tế bào bị nhiễm chất độc bị thay đổi, được tiếp tục tồn tại phát triển hoặc bị loại trừ khỏi biểu mô thực quản tùy thuộc một số điều kiện. Nếu ăn đủ kẽm sẽ giúp cho quá trình lập trình có lợi xảy ra, tức là loại trừ những tế bào bất thường bị nhiễm độc; ngược lại nếu chế độ ăn không đủ kẽm, hoặc cơ thể bị thiếu kẽm thì các tế bào bị nhiễm chất độc sẽ được lập trình để tiếp tục tồn tại và phát triển thành khối u hoặc ung thư.

            Về mặt thực tế, quá trình Apoptosis xảy ra nhanh, do vậy ít được chú ý với con người trong cuộc sống hàng ngày. Nhờ cơ chế này mà cơ thể con người có thể tự bảo vệ mình hoặc cũng có thể gây nên những biến đổi bất thường trong một số điều kiện không thuận lợi và gây nên hậu quả không tốt cho cơ thể (ví dụ ung thư thực quản dưới tác dụng của chất NMBA).

            Từ nghiên cứu trên, chúng ta thấy rằng biện pháp phòng chống ung thư tốt nhất là tránh tiếp xúc với các chất độc hại. Tuy nhiên việc phát hiện để tránh các chất độc hại hàng ngày không phải lúc nào cũng làm được. Vậy biện pháp thực tế hơn là luôn chuẩn bị cho cơ thể đầy đủ các chất dinh dưỡng, đặc biệt là ăn những món ăn có nhiều các chất dinh dưỡng, các vitamin và chất khoáng, các chất chống oxy hoá như kẽm, selen, vitamin C, vitamin E, Beta- carotene, lycopene, flavonoids, chúng có nhiều trong rau quả tươi, có màu vàng, màu xanh, màu tím, màu đen, các chế phẩm từ đậu tương ... sẽ giúp cơ thể phòng chống được nhiều loại ung thư có thể xảy ra.

Sterol và stanol thực vật – người bạn của trái tim

2013-12-16 22:39

            Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng một số thành phần tự nhiên trong các loại thực phẩm có tác dụng tốt cho tim. Các loại sterol và stanol thực vật giúp làm giảm lượng LDL-cholesterol (cholesterol xấu), thành phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Việc đảm bảo chế độ ăn giàu sterol và stanol thực vật để giảm lượng chất béo dạng trans, chất béo no, tăng lượng chất xơ không chỉ giúp giảm cholesterol trong máu mà còn góp phần duy trì một trái tim khỏe mạnh.

            

            Sterol và stanol thực vật là gì?

            Sterol và stanol thực vật hay còn được gọi là “phytosterol”, là các chất tồn tại tự nhiên trong các loại thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật như trái cây, rau củ, dầu thực vật, quả hạnh và các loại hạt. Sterol và stanol thực vật có cấu trúc hóa học giống với cholesterol.

            Sterol và stanol thực vật làm giảm lượng LDL cholesterol như thế nào?

            Do cấu trúc hóa học giống với cholesterol nên sterol và stanol thực vật có thể cạnh tranh với sự hấp thu chất này ở ruột, từ đó làm giảm lượng LDL-cholesterol trong máu. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng sterol và stanol thực vật có thể giúp làm giảm được trung bình là 6% lượng LDL-cholesterol hoặc thậm chí là 14% chỉ trong 4 tuần.

            Chúng ta nên ăn bao nhiêu Sterol và stanol thực vật thì tốt nhất?

            Một chương trình giáo dục về cholesterol cấp quốc gia khuyến cáo rằng lượng sterol và stanol thực vật sử dụng tốt nhất mỗi ngày là 2g/ngày trong chế độ ăn bảo vệ tim mạch.

            Những loại thực phẩm nào có chứa Sterol và stanol thực vật?

            Mầm, cám lúa mỳ, đậu phụ, dầu thực vật (ngô, vừng và dầu oliu), quả hạnh… là nguồn thực phẩm chứa nhiều sterol và stanol thực vật. Ngoài ra sterol và stanol thực vật cũng có trong một số loại rau quả và trái cây khác nhưng với lượng ít hơn. Do rất khó để có thể nhận đủ được lượng sterol và stanol thực vật từ các loại thực phẩm cho nên một số công ty thực phẩm đã bắt đầu bổ sung sterol và stanol thực vật vào các sản phẩm của họ như sữa, sữa chua, nước cam, ngũ cốc…

        Ngoài ra, sterol và stanol thực vật cũng có thể được bổ sung trực tiếp bằng đường uống nhưng cần phải tham khảo ý kiến của các chuyên gia chăm sóc sức khỏe

          Lưu ý khi sử dụng Sterol và stanol thực vật

         Các hợp chất này đã được nghiên cứu trên 50 năm và kết quả cho thấy rằng chúng rất hữu ích trong việc giảm lượng cholesterol. Tuy nhiên nếu sử dụng lượng này quá lớn thì lại gây ra hiện tượng buồn nôn, khó tiêu, tiêu chảy và thậm chí là gây cản trở sự hấp thu các vitamin hòa tan trong chất béo. Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú nên tham khảo ý kiến bác sỹ trước dùng các sản phẩm thực phẩm có bổ sung các chất này. Ngoài ra, Sterol và stanol thực vật cũng không thể thay thế các loại thuốc làm giảm lượng cholesterol, do đó trong các trường hợp cần sử dụng thuốc phải tuân thủ đúng theo chỉ định của các bác sỹ.

 

Protein đậu Hà Lan giúp ngăn ngừa tăng huyết áp và bệnh thận mạn

2013-12-16 22:36

            Nghiên cứu mới từ Canada cho thấy rằng các protein trong hạt đậu Hà Lan có thể cung cấp một phương thuốc tự nhiên chống lại bệnh tăng huyết áp và bệnh thận mạn tính (BTMT). Các nhà nghiên cứu đề nghị rằng protein đậu Hà Lan có thể được sử dụng như một thức ăn tự nhiên hoặc một loại thực phẩm bổ sung cho hàng triệu nguời mắc bệnh tăng huyết áp và bệnh thận trên toàn thế giới.

            

            Tăng huyết áp là một yếu tố nguy cơ chính trên những người mắc bệnh thận mạn tính (BTMT). Ước tính cho thấy số bệnh nhân suy thận đang gia tăng tại Mỹ và các quốc gia khác trên toàn thế giới. BTMT là một bệnh khó điều trị, dễ đưa đến suy thận giai đoạn cuối bắt buộc phải chạy thận hoặc ghép thận trên một số bệnh nhân. Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn không ngừng tìm kiếm những cách thức mới để điều trị suy thận và hạn chế tiến triển nặng hơn của tình trạng này.

            Hội Hóa học Mỹ đã tuyên bố truớc báo chí rằng từ lâu đậu Hà Lan giữ vị trí hàng đầu trong các loại thực phẩm dinh dưỡng. Chúng chứa một lượng lớn các chất thiết yếu cho sức khỏe: protein, chất xơ và các vitamin, ít chất béo và không chứa cholesterol. Chính vì vậy, đậu Hà Lan khô được sử dụng rộng rãi trên thế giới và cũng phổ biến với những người ăn chay.

            Tiến sĩ Rotimi Aluko, một nhà hóa học thực phẩm tại Đại học Manitoba-Winnipeg, Canada đã phát biểu trên các phương tiện thông tin đại chúng: ”Ở những người bị cao huyết áp, protein trong đậu có khả năng trì hoãn hoặc ngăn ngừa sự khởi phát của tổn thương thận. Ngược lại, đối với những người mắc bệnh thận mãn, protein trong đậu giúp ổn định huyết áp, từ đó cải thiện tiên lượng sống của những bệnh nhân này.”

            Trong nghiên cứu này, tiến sĩ Aluko cùng cộng sự là tiến sĩ Harold Aukema tại Đại học Manitoba đã chiết xuất protein thủy phân từ hạt đậu khô bỏ vỏ và cho những con chuột thí nghiệm mắc bệnh thận đa nang ăn một lượng nhỏ mỗi ngày. Sau 8 tuần, các nhà nghiên cứu nhận thấy những con chuột có chế độ ăn protein đậu Hà Lan giảm 20% mức huyết áp so với những con chuột bị bệnh mà có chế độ ăn uống bình thường.

            Đây là một phát hiện quan trọng bởi vì phần lớn nguyên nhân tử vong trên bệnh nhân mắc bệnh thận mãn là do các biến chứng tim mạch phát sinh từ tình trạng cao huyết áp do suy thận gây ra. Thật vậy, ở cả chuột và người, bệnh thận đa nang làm giảm nghiêm trọng lưu lượng nước tiểu, từ đó cản trở việc đào thải các chất cặn bã và độc tố ra khỏi cơ thể. Trong nghiên cứu tiến hành trên chuột thí nghiệm, chiết xuất protein từ hạt đậu làm tăng 30% lưu lượng nước tiểu, khôi phục nó trở lại giới hạn bình thường. Mặc dù chưa chắc chắn, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng, các protein trong hạt đậu có thể tạo nên những tác động này thông qua cơ chế kích thích sự sản xuất enzim COX-1 (cyclo-oxygenase 1).

                Aluko gọi đây là một “cải tiến to lớn", và khẳng định rằng những thí nghiệm trên chuột đã cho thấy không có bất kỳ tác dụng phụ bất lợi nào từ việc ăn protein có trong đậu. Từ phát kiến này, các nhà nghiên cứu mong muốn thử nghiệm các protein trong hạt đậu để cải thiện tình trạng của những bệnh nhân tăng huyết áp nhẹ.

                Aluko nói rằng ăn đậu khô tự nhiên sẽ không mang lại những lợi ích sức khỏe bằng các protein đậu được chiết xuất trong phòng thí nghiệm. Nếu các thử nghiệm trên người thành công, các nhà nghiên cứu dự tính loại protein đặc biệt này sẽ được thương mại hóa trong 2-3 năm tới. Các chiết xuất có thể được sản xuất dưới dạng thuốc viên hoặc dạng bột cho thêm vào đồ ăn thức uống.

Nghiên cứu trên mở ra triển vong mới trong việc cải thiện tiến triển của bệnh tăng huyết áp hoặc bệnh thận mạn thông qua một chế độ ăn uống bổ sung các thành phần protein có lợi trong đậu Hà Lan. 

 

Bệnh nhân tim mạch nên ăn tỏi

2013-12-16 22:27

"Tỏi cung cấp những chất giúp sản sinh và hoàn thiện hợp chất quan trọng" - David Kraus

        Tác dụng của tỏi tới sức khoẻ con người hàng thế kỉ nay vẫn được đánh giá cao từ khả năng kháng khuẩn và chống nấm tới những hiệu quả đối với hệ tim mạch. Qua nghiên cứu, các nhà khoa học Mỹ nói rằng họ đã hiểu chính xác tại sao cái hăng của tỏi lại có giá trị với sức khoẻ đến vậy. Bởi nó giúp cơ thể đẩy mạnh quá trình sản sinh ra một hợp chất làm thư giãn mạch máu, tăng cường tuần hoàn máu, ngăn ngừa đông máu và ôxy hoá.

                      

        David Kraus, một nhà sinh lý học chuyên ngành khoa học sức khoẻ môi trường của Đại học Alabama ở Birmingham phát biểu: "Tỏi cung cấp những chất giúp sản sinh và hoàn thiện hợp chất quan trọng". Phần lớn các nghiên cứu về tác dụng dược lý học của tỏi đều tập trung vào những polysulphide có rất nhiều trong những nhánh tỏi mà chất Allicin là một đại diện tiêu biểu.

        Tuy nhiên, một nghiên cứu mới lại cho rằng Allicin và một số hợp chất sinh hoá tích cực tương tự chỉ là một phần nhỏ trong nhiều tác dụng của tỏi mà thôi và đó là một "sứ giả" hoá học được sinh ra khi những hợp chất kia được chuyển hoá mới là điều quan trọng.

        Trong các cuộc thí nghiệm tại phòng Lab, các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Alabama nhận thấy sứ giả hoá học này là hydrogen sulphide (H2S) - chất chủ yếu ở mức độ thấp đối với việc chuyển tín hiệu tế bào xuất hiện để làm thư giãn các mạch máu và tăng cường tuần hoàn máu.

        Nhóm nghiên cứu cũng đã tiến hành một loạt các thí nghiệm, đầu tiên là lấy ra một chút nước tỏi ép rồi cho một lượng nhỏ vào các tế bào hồng cầu. Ngay lập tức, các tế bào bắt đầu sinh ra hydrogen sulphide.

        Các thí nghiệm khác cũng cho thấy phản ứng then chốt đã xảy ra chủ yếu ở màng ngoài của tế bào hồng cầu cho dù một phần nhỏ H2S cũng được sinh ra ở bên trong các tế bào ấy. Hơn nữa, khi nhóm nghiên cứu cho thêm một lượng nhỏ vào động mạch chủ của chuột có chứa các polysulphide hữu cơ, nó bắt đầu thư giãn, dễ chịu khi sản sinh H2S.

        Phát hiện trên có thể giải thích tại sao một vài nghiên cứu cho rằng hệ tim mạch chẳng có ích lợi nào từ những chất chứa trong tỏi trong khi nhiều nghiên cứu khác khẳng định các chất ấy có thể làm chậm tiến trình phát triển các bệnh tim mạch.

        Các tác giả bổ sung, những kết quả cho rằng khả năng sản xuất H2S có thể khẳng định thêm không cần loại bỏ tỏi ra khỏi chế độ ăn kiêng.

Items: 7 - 12 từ 58
<< 1 | 2 | 3 | 4 | 5 >>

Có thể bạn quan tâm

Thành phần mỹ phẩm

 

 

 

 

Hóa dược