Hóa dược

Vì sao rượu gây ung thư gan

2013-12-16 21:20

            Uống rượu là nét văn hóa giao tiếp được sử dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam việc sử dụng rượu và các chất kích thích có cồn vô cùng phổ biến và dường như không thể thiếu tại các bữa tiệc, ngày vui… Tuy nhiên, việc uống rượu vô độ, tiệc tùng, chè chén liên miên gây ra rất nhiều hậu quả đáng tiếc, trong đó có bệnh ung thư gan. 

                  

            Ung thư gan là gì?

               Cơ thể người là một nhà máy với hàng tỷ tế bào liên tục được sản sinh, lão hóa và chết đi. Quá trình này được kiểm soát chặt chẽ. Nếu việc kiểm soát bị phá vỡ, các tế bào bắt đầu phát triển và phân chia bất thường, phân nhóm với nhau để tạo thành một khối tế bào gọi là khối u. Ung thư là tên gọi cho một khối u ác tính.

                Ung thư gan hay là một bệnh ung thư bắt nguồn từ gan. Ung thư gan ác tính phát triển trên bề mặt hoặc bên trong gan. Các khối u gan thường được phát hiện tình cờ khi người bệnh đi khám sức khỏe hoặc xuất hiện triệu chứng có khối u bụng, đau bụng, vàng da, buồn nôn, rối loạn chức năng gan, khi đó bệnh đã bắt đầu tiến triển nặng.

           Ở các nước Châu Á, bệnh ung thư gan thường gặp phải ở nam giới, hầu hết những người mắc bệnh này không phải do di truyền mà do tiêu thụ quá nhiều rượu bia, các chất có cồn. Về bản chất, ung thư gan là do sự sai hỏng cấu trúc tế bào ở gan. Vậy, tại sao nói uống rượu bia nhiều có thể gây ung thư gan?

               Rượu tác động tới gene có khả năng gây ung thư

               Nghiên cứu sơ bộ cho thấy rằng rượu có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của bệnh ung thư ở cấp độ di truyền bằng cách ảnh hưởng đến các gen gây ung thư trong giai đoạn đầu và xúc tiến bệnh ung thư. Nó sản sinh acetaldehyde, một sản phẩm của quá trình chuyển hóa rượu, làm suy yếu khả năng sửa chữa sai sót tự nhiên DNA của tế bào, kết quả làm tăng nguy cơ đột biến dẫn đến ung thư.

Ngoài ra, rượu có thể làm thuận lợi cho quá trình gây ung thư của các gen gây ung thư (cocarciongen) vì nó có khả năng liên kết với một số enzyme thường làm nhiệm vụ giải độc cho cơ thể, một trong những enzyme này là cytochrome P - 450. Uống nhiều rượu có thể tạo nên các cytochrome P - 450 ở gan, phổi, thực quản và ruột, nơi mà bệnh ung thư thường xảy ra ở người uống nhiều rượu.

Rượu gây tổn thương các tế bào gan

                Lạm dụng rượu có thể dẫn đến những bất thường trong quá trình trao đổi chất của cơ thể và sau đó thúc đẩy một số loại ung thư. Riêng đối với gan – nhà máy lọc độc của cơ thể, việc uống rượu thường xuyên liên tục lại là một hành động "đầu độc" gan. Thông thường khả năng giải độc của gan chỉ nằm trong một giới hạn nhất định. Sử dụng nhiều rượu gây quá tải lên hệ thống lọc của gan từ đó các tế bào gan bị thương tổn và bị thay thế thành mô sẹo mãi mãi gây xơ gan mãn tính, dẫn đến ung thư gan. Ngoài ra, rượu còn có thể làm trầm trọng thêm bệnh xơ gan gây ra bởi các virus viêm gan B hoặc C trước đó.

 

            Các quý ông thường hay nói đùa: “Rượu cũng từ gạo mà ra. Cho nên, uống rượu có khác gì ăn cơm đâu”. Rõ ràng đây là một suy nghĩ hoàn toàn không có lợi và khôn ngoan cho sức khỏe. Vì vậy, lời khuyên tốt nhất cho những người thường xuyên sử dụng rượu là hãy dừng lại, hãy biết yêu quý trân trọng lá gan của mình bởi gan có khỏe mới có thể "thanh lọc cơ thể" tốt. Nhất là trong dịp Tết sắp đến, mỗi lần tiết chế việc ”nâng ly lên” là chính là thêm cho mình cơ hội bảo vệ lá gan, bảo vệ cơ thể và tránh những rắc rối trong hành vi hay những nguy cơ tai nạn do việc say rượu mang lại. Hãy để mình và người thân có một cái Tết vui và thật trọn vẹn.

 

Rau họ cải trị ung thư phổi

2013-12-16 21:15

                   Nhóm chất có tên isothiocyanates trong các loại rau họ cải như súp lơ xanh, bắp cải, cải xoong... có khả năng kìm hãm sự phát triển của tế bào ung thư phổi trong các thử nghiệm trên chuột và tế bào ung thư của người. Các nhà khoa học đến từ Đại học Georgetown và Viện phòng chống ung thư Mỹ tin rằng nếu tập trung nhóm chất isothiocyanate thành viên thuốc thì một ngày nào đó những người đang hoặc từng hút thuốc lá sẽ tránh được căn bệnh ung thư phổi ghê sợ. 

                        

                Trong nghiên cứu, trưởng nhóm nghiên cứu Fung - Lung Chung và cộng sự cho một số con chuột tiếp xúc với các chất sinh ung thư từ thuốc lá. Sau đó, một nửa số chuột này tiếp nhận hợp chất từ họ cải, số còn lại để nguyên. Sau một thời gian, người ta quan sát thấy isothiocyanate kìm hãm sự phát triển của cả khối u lành tình và ác tính. Những con không được điều trị nhanh chóng phát triển ung thư. 

                Trong thử nghiệm thứ hai, các nhà khoa học kiểm tra tác dụng của isothiocyanates trên các tế bào ung thư phổi của người. Những tế bào này được kích thích phát triển nhờ một gene tăng trưởng và điều tiết tế bào. Kết quả cho thấy, các dẫn xuất của isothiocyanate đã buộc các tế bào ung thư phổi của người chết đi. 

                Tuy nhiên, tiến sĩ Chung cho rằng cần kiểm nghiệm thêm tác dụng của isothiocyanate trên cơ thể người vì không thể so sánh trực tiếp mức độ tiêu thụ rau họ cải ở người và hiệu quả quan sát thấy trên chuột 

Ngũ cốc, đậu, lạc chống ung thư

                Các nhà khoa học Mỹ vừa phát hiện ra một hợp chất tự nhiên trong các loại ngũ cốc, đậu và lạc có khả năng khống chế sự phát triển của khối u. Chất này có thể được dùng để bào chế thuốc chống ung thư. Chất mới có tên là inositol pentakisphosphate, cũng được tìm thấy trong đậu lăng và đậu Hà Lan - tiến sĩ Marco Falasca, Đại học College London (ULC) cho biết. Chất này khống chế một men có tên là phosphoinositde 3 - kinase chuyên kích thích ung thư phát triển.


             Khi tìm hiểu đặc tính của inositol pentakisphosphate trên chuột và các tế bào ung thư trong phòng thí nghiệm, người ta nhận thấy nó tiêu diệt khối u ở chuột và tăng cường hiệu lực của những thuốc dùng trong điều trị bệnh ung thư phổi và buồng trứng. 

            Falasca tin rằng hợp chất inositol pentakisphosphate hoàn toàn không gây độc, kể cả khi ở liều cao. Nó có khả năng hỗ trợ liệu pháp hóa trị, khi mà những dược liệu khống chế enzyme chuyên kích thích sự phát triển ung thư còn hạn chế

NOSH – aspirin và hiệu quả chống ung thư

2013-12-16 21:10

            Một nghiên cứu mới của các nhà khoa học Mỹ đã cho thấy khả năng chống ung thư hiệu quả của aspirin. Tuy nhiên, đây không phải là loại aspirin đơn lẻ thông thường mà là một dạng aspirin phức hợp mới có tên gọi NOSH – aspirin. NOSH – aspirin được chứng minh là thực sự hiệu quả trong việc kiểm soát sự phát triển của các dòng ung thư: ung thư ruột kết, ung thư phổi, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư tuyến tụy, ung thư vú, ung thư máu…

                    

        Các nghiên cứu trước đây cũng đã nhận thấy khả năng chống ung thư của loại aspirin đơn lẻ. Một nghiên cứu công bố trong ấn bản tháng 2 năm 2012 của Tạp chí nghiên cứu phòng chống ung thư cho thấy việc điều trị aspirin hàng ngày có thể giảm đáng kể tỷ lệ tử vong do ung thư đại trực tràng. Với dữ liệu từ gần 14.000 bệnh nhân trong một thử nghiệm phòng ngừa bệnh tim mạch, họ đã nhận thấy rằng việc điều trị aspirin hàng ngày trong khoảng 5 năm có thể giảm 34% tỷ lệ tử vong ung thư đại trực tràng trong 20 năm. Một phân tích sâu đối với gần 3.000 bệnh nhân có tiền sử u tuyến đại trực tràng hoặc ung thư đại trực tràng aspirin làm giảm 28% sự xuất hiện khối u tiến triển và 17% đối với các u tuyến bất kỳ…


          Cũng một nghiên cứu khác được đăng tải trên chính tạp chí này cũng cho thấy tiềm năng của aspirin trong việc ngăn ngừa ung thư cổ tử cung ở phụ nữ bị nhiễm HIV. Các nghiên cứu cho thấy vi rút gây bệnh AIDS cũng làm tăng sản xuất prostaglandin được gọi là PGE2 trong mô cổ tử cung. PGE2 có liên quan với viêm nhiễm và sự phát triển của các khối u. Các tác giả nhận thấy aspirin có thể ngăn chặn COX-2 - chất cho phép prostaglandin được hình thành. Chính vì vậy, aspirin có thể ngăn ngừa ung thư cổ tử cung ở phụ nữ có nguy cơ cao.

        Trong nghiên cứu mới của các nhà khoa học Mỹ, những loại NOSH – aspirin được thử nghiệm có khả năng phòng chống ung thư hiệu quả hơn 100.000 lần so với loại aspirin đơn lẻ. Ngoài ra, loại aspirin mới này không gây tổn hại tế bào bình thường. Dang aspirin mới này được đặt tên NOSH – aspirin bởi chúng có khả năng giải phóng nitric oxide (NO) và hydrogen sulfide (H2S). Đây là những hợp chất có thể được tạo ra trong cơ thể, với tác dụng chính là làm giãn nở mạch máu, giảm viêm và một số lợi ích khác.

        Việc sử dụng aspirin đơn lẻ có thể làm tăng nguy cơ loét và chảy máu dạ dày, đồng thời tăng nguy cơ cháy máu não, đặc biệt ở người cao niên. Trước đây, các nhà khoa học đã tạo ra 2 dòng aspirin có khả năng sinh hoặc NO hoặc H2S. Những hợp chất này không gây kích thích dạ dày. Dạng aspirin phức hơn mới NOSH – aspirin thậm chí còn hiệu quả hơn 2 dòng aspirin trước và vẫn an toàn đối với dạ dày. Tác dụng này là do các nhà nghiên cứu quan sát thấy NO có một số thuộc tính giống như prostaglandin trong niêm mạc dạ dày. Các nghiên cứu khác về sự gắn kết giữa NO và một tác nhân chống viêm cũng an toàn đối với dạ day hơn so với bản thân tác nhân chống viêm đơn lẻ.

Nghiên cứu chế tạo thuốc cúm Zanamivir từ axit sialic

2013-12-16 20:58

                Zanamivir là thuốc ức chế enzyme neuraminidase, được dùng để điều trị và phòng ngừa bệnh cúm trên cơ thể người. Hiện nay, các nhà khoa học Viện Hóa học (Viện KHCNVN) đã tiến hành nghiên cứu tổng hợp hoạt chất này.

               Bệnh cúm là một bệnh truyền nhiễm ở người, động vật có vú và các loài chim, gây ra bởi vi rút cúm tuýp A, B và C, là các vi rút có cấu trúc RNA thuộc họ Orthomyxoviridae. Ở những trường hợp nặng, bệnh cúm gây ra viêm phổi, suy hô hấp và có thể dẫn tới tử vong, đặc biệt  nguy hiểm đối với trẻ em, phụ nữ có thai, người già và người có bệnh kinh niên. Để đối phó với dịch cúm, các nhà nghiên cứu chủ yếu phát triển các vắc xin đặc hiệu và dự trữ các thuốc chống vi rút, gồm các thuốc ức chế enzym neuraminidase (oseltamivir và zanamivir) và các thuốc ức chế kênh ion M2 (amantadine và rimantadine) của vi rút cúm. Trong đó, cùng với tiêm phòng vắc xin, oseltamivir và zanamivir là các thuốc chống vi rút được WHO khuyến cáo nên ưu tiên sử dụng.

                Năm 2005, trước nhu cầu khẩn cấp về thuốc cho phòng ngừa đại dịch cúm, Viện Hóa học (Viện KHCNVN) đã được Chính phủ cho phép, nghiên cứu tổng hợp thành công hoạt chất oseltamivir từ nguồn nguyên liệu hồi trong nước. Kết quả là, thu được hiệu suất bằng 70% so với hiệu suất công bố của thế giới, sản phẩm đạt tiêu chuẩn làm thuốc. Tiếp tục hướng nghiên cứu này, các nhà khoa học Viện Hóa học đã khảo sát khả năng tổng hợp ở Việt Nam thuốc chống cúm Zanamivir từ axit sialic.

               Zanamivir và axit sialic (Axit N-axetylneuraminic)

                Cùng với oseltamivir, hiện nay Zanamivir là thuốc duy nhất có tác dụng phòng và chống dịch cúm do các vi rút H5N1 và H1N1 gây ra ở người. Nước ta đã có sự chuẩn bị về thuốc oseltamivir (Tamiflu), nhưng zanamivir còn chưa có. Zanamivir là thuốc cúm đầu tiên thuộc dòng NI được phát minh và thương mại hoá, trước cả oseltamivir. Tên khoa học của Zanamivir là axit 5-acetamido-4-guanidino-6-(1,2,3-trihydroxy-propyl)-5,6-dihydro-4H-pyran-2-carboxylic. Việc phát minh ra Zanamivir mở đường cho các nghiên cứu tìm thuốc mới có cùng tác dụng ức chế enzym neuraminidase nhằm phòng ngừa và chữa trị bệnh cúm.

                Axit sialic là nguyên liệu đầu để tổng hợp Zanamivir. Tên axit sialic (Neu5Ac2en) dùng chung để chỉ các dẫn xuất thế ở vị trí O- và N- của axit neuraminic, dùng riêng để chỉ axit N-axetylneuraminic. Axit sialic thuộc nhóm các carbohydrat và có mặt rộng khắp trong các tế bào động vật, trong các vi sinh vật, đặc biệt trong các glycoprotein và gangliosid. Axit sialic thương mại được chiết xuất từ nước ót (whey) của các quá trình chế biến phomat và sữa, cũng như từ lòng đỏ trứng, có giá bán khá cao (khoảng 5.000 USD/kg).

                Quá trình tổng hợp Zanamivir trên thế giới

                Năm 1994, Zanamivir lần đầu tiên được tổng hợp và công bố bởi Von Itzstein và các nhà khoa học tại khoa Hóa dược, Đaị học tổng hợp Monash (Australia). Sau đó, Chandler và các cộng sự của công ty Glaxo (GSK, Anh) tiếp thu kết quả, cải tiến các bước phản ứng và công bố năm 1995. Theo công bố, phương pháp này cho hiệu suất tổng thể 8,3%.

                Cho tới hiện nay, bài báo của Chandler là công bố duy nhất về phương pháp tổng hợp Zanamivir mà sản phẩm thu được ở lượng lớn hơn miligam, đồng thời cũng cung cấp các chi tiết về điều kiện phản ứng và tính chất hóa lý của các chất.

                Gần đây, nhóm nghiên cứu của Yao (Trung Quốc) đã đưa ra một cách tiếp cận mới để tổng hợp ra hợp chất trung gian 5. Các tác giả bắt đầu từ một nguyên liệu khác là D-glucono-δ-lactone, rẻ tiền hơn axit sialic, nhưng con đường tổng hợp tương đối dài và phức tạp (24 bước) và hiệu suất rất thấp (0,2%).

              Nghiên cứu tổng hợp Zanamivir từ axit sialic của Viện Hóa học

            Tổng hợp methyl N-acetylneuraminate (2) và O-pentaacetoxy  (3) từ axit sialc.

            Các nhà khoa học của Viện Hóa học đã sử dụng axit sialic (axit N-acetylneuraminic) 98% của Trung Quốc làm nguyên liệu đầu cho quá trình tổng hợp Zanamivir. Họ quyết định áp dụng phương pháp của Warner, sử dụng nhựa trao đổi ion Dowex-H với vai trò xúc tác, phản ứng thực hiện ở nhiệt độ phòng trong khoảng 10h, kết quả đã nhận được sản phẩm metyl (2) este của axit N-acetylneuraminic với hiệu suất 99%.

            Để tổng hợp O-pentaacetoxy (3), các nhà khoa học đã áp dụng một phương pháp axetyl hóa hiệu quả được công bố gần đây, sử dụng xúc tác BF3.OEt2 ở 0 0C, kết quả đã thu được sản phẩm với hiệu suất trên 95%.

            Việc sử dụng các xúc tác là nhựa trao đổi ion Dowex-H (cho phản ứng este hóa) và BF3.OEt2 (cho phản ứng axetyl hóa) có ưu điểm hơn so với các phương pháp công bố bởi các nhà khoa học của Glaxo.

              Tổng hợp hợp chất trung gian chìa khoá oxazoline (4) từ O-pentaacetoxy (3).

                Các nhà khoa học đã tiến hành khảo sát quá trình tổng hợp oxazoline (4) theo quy trình công bố củaChandler. Hợp chất O-pentaacetoxy (3) được tách loại 2 nhóm OAc và tạo vòng oxazoline nhờ tác dụng của axit Lewis mạnh là TMSOTf ở 52 0C trong 2,5 h. Hiệu suất của phản ứng đạt 40%. Thử nghiệm thay thế TMSOTf bằng xúc tác BF3.OEt2 trong dichloromethane ở nhiệt độ phòng trong 1 đêm, hiệu suất phản ứng tạo vòng oxazoline từ penta-acetoxy (5) cũng đạt tương tự như phương pháp dung TMSOTf (42%). Để nâng cao hiệu suất, các nhà khoa học khảo sát phương pháp one-pot, đi trực tiếp từ metyl este (2) tới oxazoline (4), mà không qua O-pentaacetoxy (3), cho hiệu suất cao nhất (73,3%) và có hiệu quả kinh tế nhất.

            Tổng hợp Zanamivir từ hợp chất trung gian oxazoline (4).

           Các nhà khoa học nghiên cứu thành công các phản ứng đi từ hợp chất trung gian oxazoline (4) tới sản phẩm cuối cùng Zanamivir (9). Sản phẩm zanamivir có các dữ kiện phổ IR và NMR đúng với cấu trúc.

            Như vậy, các nhà khoa học Viện Hóa học  đã xây dựng được một quy trình ổn định gồm 7 bước chính, tổng hợp thành công Zanamivir từ axit sialic với hiệu suất tổng thể là 6,6% (hiệu suất công bố của thế giới là 8,3%). Đặc biệt các giai đoạn đầu tiên, từ axit sialic đến oxazolin (4) đã được tối ưu hóa và cho hiệu suất tổng đạt 74%, cao hơn hiệu suất công bố của GSK (61,7%). Tuy nhiên, hiệu suất thu được ở các giai đoạn sau còn thấp. Hiện nay, các nghiên cứu tổng hợp thuốc cúm Zanamivir vẫn tiếp tục được tiến hành.

Thành phần hóa học và tác dụng trị bệnh của nấm linh chi

2013-12-16 20:51

        - Tác dụng trị bệnh của Linh Chi rất rộng rãi và rất ưu việt. Đó không phải là tác dụng riêng của một thành phần nào cả, mà là tác dụng của hỗn hợp nhiều chất có chứa trong Linh Chi.

 

        - Cho đến nay, thành phần hóa học của Linh chi đã được các nhà khoa học phân tích kỹ càng với các phương tiện hiện đại như: HPLC, sắc ký khí, UV, IR, NMR . . . cho thấy có gần 200 hoạt chất và dẫn chất có trong linh chi bao gồm acid amin, các acid hữu cơ, các acid béo, terprnoid, alkaloid, polysaccharide, protein, glycoprotein, các khoáng đa lượng và vi lượng.

Đột phá trong công nghệ bào chế dược phẩm dùng đường uống

2013-12-14 15:42

            Với sự phát triển vượt bậc của ngành công nghệ dược phẩm, ngày nay hàng ngàn hoạt chất và hàng triệu chế phẩm đã có mặt và lưu hành trên thị trường Việt Nam, mang đến nhiều lựa chọn cho cả bác sĩ và bệnh nhân.

            Tuy nhiên, chính sự đa dạng đó cũng góp phần gây băn khoăn trong vấn đề chọn lựa thuốc điều trị. Với cùng một hoạt chất có thể có nhiều dạng chế phẩm khác nhau, đặc biệt là các chế phẩm thuốc dùng đường uống được bán rộng rãi tại các nhà thuốc và làm thế nào để chọn dạng thuốc phù hợp nhất cho bệnh nhân là vấn đề không đơn giản.heo PGS.TS Trương Văn Tuấn, chuyên gia về lĩnh vực bào chế – công nghiệp dược cho biết một số dạng chế phẩm phổ biến dùng cho đường uống có thể kể đến như viên nén (tablet), viên nang (capsule), viên sủi bọt (effervescence), viên ngậm (lozenge), bột (powder), cốm (granules), gel, dung dịch (solution), hỗn dịch (suspension), nhũ tương (emulsion), xirô (syrup)… Trong đó, viên nén là dạng bào chế được sử dụng phổ biến nhất vì có nhiều ưu điểm như: tính ổn định cao, liều lượng chính xác, dễ sản xuất, dễ vận chuyển và bảo quản, mỗi viên nén là một đơn vị liều với kích thước nhỏ do đó rất dễ sử dụng. Về phương diện bào chế, viên nén thông thường là các thành phần hoạt chất dạng bột hoặc hạt được trộn với các tá dược, cuối cùng nén với một áp lực thích hợp để thành từng viên nén nhỏ hoặc tuỳ trường hợp có thể bao thêm lớp bao đường hoặc bao một lớp màng mỏng bên ngoài. Về cách sử dụng, đa số viên nén được dùng bằng cách nuốt nguyên viên.

Hiện nay, công nghệ bào chế viên nén đã có nhiều bước tiến mới, đặc biệt là việc phát triển viên nén với hệ cấu trúc đa tiểu vi hạt (Multi Unit Pellet System (MUPS) giúp tối ưu hoá hiệu quả điều trị và sự linh hoạt trong sử dụng thuốc.

              Quy trình bào chế công phu và yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt:

              Viên MUPS là viên nén được dập viên từ hàng ngàn vi hạt, các vi hạt này được bào chế bằng kỹ thuật bồi dần (sử dụng thiết bị bao tầng sôi) với quy trình như sau: từ nhân lõi trơ (saccarose) đóng vai trò là cái khung mang hoạt chất, từng lớp hoạt chất sẽ được bồi dần lên tạo thành lõi khung mang hoạt chất, tiếp đến lõi này được bao cách ly bằng lớp đệm pH giúp ổn định hoạt chất, tăng sức bền cơ học và tránh sự khuếch tán hoạt chất ra các lớp bên ngoài. Sau đó lớp kháng axít và chất hoá dẻo được bồi lên vi hạt để giúp các vi hạt này bền vững khi đi qua dịch dạ dày, cuối cùng các vi hạt sẽ được trộn với tá dược bao bảo vệ để chống dính và tăng độ trơn chảy trong quá trình dập viên.

            

            Theo Dược điển Mỹ USP, viên MUPS phải đạt tiêu chuẩn về độ bền của lớp kháng axít (tính kháng axít không được giảm quá 10% sau dập viên). Ngoài ra, cần đạt tiêu chuẩn về độ rã, độ đồng đều hàm lượng và khối lượng của từng vi hạt, kích thước vi hạt phải đủ nhỏ để tăng lượng vi hạt trong mỗi viên… Do đó, các vi hạt của viên MUPS gần như đạt đến giới hạn dưới của kích thước vi hạt với độ sai số thấp (0,6 ± 0,04mm).

            Giá trị của chất lượng

            Viên MUPS được cho là dạng bào chế hoàn thiện, đem lại hiệu quả điều trị cao và sự linh hoạt trong sử dụng. Mỗi viên MUPS khi uống vào sẽ nhanh chóng phân rã thành hàng ngàn vi hạt nhỏ, từ đó thuốc được hấp thu triệt để, nhanh chóng tạo ra đáp ứng thuốc, duy trì hiệu quả dài hơn, đồng thời thời điểm uống thuốc không phụ thuộc vào bữa ăn. Ngoài ra, với tính chất phân rã nhanh của viên nén MUPS, những bệnh nhân khó nuốt có thể hoà viên thuốc với một ít nước và uống, đối với những bệnh nhân nằm viện không nuốt được, bác sĩ có thể hoà viên thuốc trong ống thông dạ dày và bơm qua đường mũi cho bệnh nhân.

           Hiện nay, công nghệ bào chế viên MUPS đã được ứng dụng cho một số thuốc điều trị, như thuốc ức chế tiết axít trong bệnh lý tiêu hoá; để mang đến sự khác biệt so với các sản phẩm điều trị đường uống khác, góp phần nâng cao chất lượng điều trị và mang đến chất lượng cuộc sống tốt hơn cho bệnh nhân.

Items: 19 - 24 từ 58
<< 2 | 3 | 4 | 5 | 6 >>

Có thể bạn quan tâm

Thành phần mỹ phẩm

 

 

 

 

Hóa dược