Hóa dược
Những loại Vitamin tốt cho chức năng não bộ
2013-12-20 18:34Theo các chuyên gia, chế độ dinh dưỡng hợp lý là điều quan trọng hàng đầu để duy trì chức năng não bộ.
2. Vitamin B12
Vitamin B12 giúp duy trì sức khỏe của các tế bào thần kinh não, kích thích cơ thể gia tăng sản xuất myelin- bao bọc các dây thần kinh nhằm chống lại các xung điện của não. Điều này rất quan trọng, vì nhiều vấn đề sức khỏe tâm thần phát sinh từ sự suy giảm của các tế bào thần kinh do thiếu các màng bọc myelin bảo vệ.
Nghiên cứu cho thấy, khi cơ thể được bổ sung đầy đủ vitamin B12 không chỉ giúp cải thiện tình trạng trầm cảm, tăng sự tỉnh táo, mà còn có tác dụng ngừa mất trí nhớ và tăng cường sức mạnh não bộ. Vitamin B12 có trong các loại thịt gia cầm, cá, thịt heo và thịt bò.
3. Vitamin C
Vitamin C là một trong những chất chống oxy hóa phổ biến và có tác dụng giúp cải thiện hiệu suất tổng thể não bộ. Bạn có thể tìm thấy vitamin C trong nhiều loại trái cây và rau quả, đặc biệt là các loại trái cây thuộc họ cam quýt và các loại đậu.
4. Vitamin E
Vitamin E là chất chống oxy hóa mạnh, có tác dụng giúp bảo vệ các tế bào não và dây thần kinh trước các nguy cơ tiềm tàng. Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng, khi bổ sung đủ lượng vitamin E trong chế độ ăn uống hàng ngày sẽ làm chậm sự tiến triển của bệnh Alzheimer, thậm chí có thể giúp ngăn ngừa hoàn toàn. Trên thực tế, rất nhiều chứng rối loạn não có thể được phòng ngừa đơn giản bằng cách bảo vệ não bộ từ các chất chống oxy hóa.
Bạn có thể tìm thấy vitamin E trong các loại rau lá xanh, các loại hạt, ngũ cốc và khoai lang. Ngoài ra, bạn cũng có thể cung cấp vitamin E bằng cách sử dụng nguồn bổ sung.
Tác dụng của các loại vitamin với cơ thể con người
2013-12-20 18:24Vitamin và khoáng chất rất quan trong đối với sức khỏe con người. Chúng không chỉ có vai trò duy trì cuộc sống mà còn có tác dụng ngăn ngừa và phòng bệnh. Do vậy, biết được tác dụng của Vitamin và khoáng chất đối với cơ thể, chúng ta sẽ dễ dàng biết được mình đang ần bổ sung loại vitamin nào.
Nhóm tan trong nước:
- Vitamin B1: vitamin B1 có tác dụng làm giảm viêm thần kinh và giảm đau. Kích thích gan bài tiết chất độc làm giảm phản ứng viêm của da. Do vậy, B1 đươc sử dụng trong các trường hợp chàm, zona, herpers, vảy nến, viêm da nói chung…
- Vitamin B2: có nhiều trong ngô, trứng, sữa, gan, ngữ cốc…, thiếu B2 gây hội chứng mắt – miệng – sinh dục, biểu hiện là viêm khóe miệng, nứt đỏ, bong vảy có thể lan đến mép mũi miệng giống như viêm da tiết bã, cơ quan sinh dục cũng bị viêm đỏ da bong vảy.
- Vitamin B6: có nhiều trong khoai tây, lúa mì, đậu, bắp, gan động vật. B6 như là một coenzym trong quá trình decarbonxy hóa và quá trình amin hóa của một số acid amin. Thiếu B6 gây bệnh viêm da quanh mắt, mũi, miệng và gây viêm môi, lưỡi. Tác dụng của Vitamin B6 là điều trị bệnh niêm mạc miệng, viêm da tiết bã, viêm da ánh sáng.
- Vitamin B5: có nhiều trong thịt, sữa, trứng, lúa mì, men bia. Thiếu B5 có thể gây rụng tóc, chàm, viêm mũi, viêm miệng.
- Vitamin B12: thiếu B12 gây tăng sắc tố đối xứng ở chi, mặt, bàn tay, lưỡi có cảm giác rát bỏng, B12 giúp sự tổng hợp protein và sử dụng các aminoacid tạo thuận lợi cho sự hồi phục tế bào gan và tế bào thần kinh, tham gia vào quá trình tạo máu. B12 cùng với acid folic tham gia vào quá trình tổng hợp AND.
- Vitamin C: có nhiều trong trái cây, rau xanh, đặc biệt là trong cam, chanh, bưởi…có vai trò quan trọng trong quá trình tạo collagen, làm tăng sức đề kháng của cơ thể, kích thích thượng thận bài tiết các corticosteroid, làm tăng sự trưởng thành của hồng cầu. Thiếu vitamin C có thể làm vết thương chậm lanhg, khiếm khuyết cấu tạo răng, vỡ mao mạch gây xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng. Tác dụng của Vitamin C là hỗ trợ điều trị các chứng dày sừng nang lông, xạm da, viêm niêm mạc miệng, loét da lâu lành.
- Vitamin H (biotine): có nhiều trong thịt, sữa, các loại hoa quả có hạt đều có nhiều vitamin H. Thiếu hụt biotine có thể gây viêm da tróc vảy, viêm lưỡi xơ teo, tăng cảm, đau cơ, mệt mỏi, chán ăn thiếu máu nhẹ và gây rụng tóc.
- Acid folic: thiếu acid folic gây thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ, biểu hiện ngoài da là viêm lưỡi, viêm niêm mạc miệng, đôi khi có biểu hiện giảm sắc tố ngoài da.
- Vitamin PP: có nhiều trong thức ăn như men ba, thịt, sữa, cám, cà rốt, cà chua, đậu hũ, gan, trứng, rau xanh và các loại ngũ cốc đặc biệt là trong hạt ngô. Thiếu PP gây bệnh Pellagra, tiêu chảy, viêm niêm mạc miệng, viêm môi, thiểu năng tâm thần.
Nhóm tan trong dầu:
- Vitamin A: rất cần thiết cho thị giác, cho sự tăng trưởng, sự phát triển và duy trì của biểu mô. Vitamin A có nhiều trong gan, thận động vật, các chế phẩm từ sữa, trứng và dầu gan cá. Các carotenoid (tiền vitamin A) có nhiều trong cà rốt, trái cây có màu vàng, rau có màu xanh đậm. Thiếu vitamin A gây hiện tượng tăng sừng da, khô mắt, quáng gà lúc xẩm tối.
- Vitamin D: có chức năng sinh học là duy trì nồng độ canxi và phốt pho bình thường trong huyết tương bằng cách tăng hiệu quả hấp thụ các chất khoáng từ khẩu phần ăn ở ruột non và tăng huy động canxi, phốt pho từ xương và máu. Vitamin D có nhiều trong gan cá, bơ, sữa, trứng…thiếu vitamin D sẽ gây còi xương ở trẻ em, yếu cơ. Tác dụng của Vitamin D là hỗ trợ điều trị các trường hợp vảy nến, xơ cứng bì, luput ban đỏ…
- Vitamin E: có nhiều trong dầu thực vật, mầm ngũ cốc, trứng…vitamin E ngăn cản oxy hóa các thành phần thiết yếu trong tế bào, ngăn cản sự tạo thành các sản phẩm oxy hóa độc hại. Vitamin E được chỉ định điều trị trong các trường hợp luput ban đỏ, xơ cứng bì, viêm bì cơ, dùng chống lão hóa da kết hợp với vitamin C, A và selenium.
Do vậy chúng ta cần bổ sung các loại vitamin thiếu hụt bằng chế độ ăn và uống thêm vitamin tổng hợp. Chế độ ăn đầy đủ các chất cần thiết sẽ làm tăng hiệu quả điều trị, chống lại bệnh tật và tăng cường sức khỏe cho cơ thể.
Vitamin K làm giảm nguy cơ tiểu đường
2013-12-20 18:16Vitamin K còn gọi là vitamin đông máu, xuất phát từ tên gọi “Koagulation vitamin”. Khi cơ thể thiếu vitamin K hay xảy ra hiện tượng chảy máu ở các cơ quan nội tạng hoặc đổ máu cam. Đó là do vitamin K tham gia vào thành phần coenzym của các enzym xúc tác quá trình tạo nên protrombin là một loại hợp chất protein có vai trò quan trọng trong quá trình đông máu.
Theo các nhà khoa học Hà Lan, vitamin K còn có thể giảm 20% nguy cơ bệnh tiểu đường.
Nghiên cứu được tiến hành trên 38.094 người Hà Lan có độ tuổi từ 20 – 70 trong hơn 10 năm. Mức độ tiêu thụ vitamin K (Phylloquinone-vitamin K1 và Menaquinone-vitamin K2) được đánh giá qua bảng câu hỏi. Tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường được thống kê thông qua tự đánh giá kết hợp với kiểm soát các hồ sơ y tế ở bệnh viện. Sau 10,3 năm theo dõi, các nhà nghiên cứu ghi nhận 981 trường hợp bị tiểu đường.
Sau khi cân đối các yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường và chế độ ăn uống, kết quả cho thấy vitamin K1 có thể giảm 19% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 ở nhóm tiêu thụ nhiều K1 nhất so với nhóm tiêu thụ ít nhất. Vitamin K2 với khoảng 10µg/ngày có thể giảm 7% nguy cơ tiểu đường type 2.
Như vậy, theo kết quả nghiên cứu, vitamin K có thể làm giảm tới 20% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2.
Trong tự nhiên, vitamin K tồn tại ở 2 dạng là vitamin K1 (phylloquinone) và vitamin K2 (menaquinone). Vitamin K2 có hoạt tính thấp hơn hẳn vitamin K1 (bằng 60%). Vitamin K1 được tìm thấy chủ yếu trong rau xanh như cải xoăn, rau bó xôi, súp lơ, rau bina … và một số loại quả như quả bơ, quả kiwis. Vitamin K2 trong thịt, trứng và các sản phẩm sữa.
Trong thực phẩm, vitamin K ở hàm lượng không gây độc hại cho người sử dụng. Thực tế, chưa có độc tính nào được phát hiện có liên quan đến liều lượng cao của vitamin K1 và K2. Do vậy, mức tiêu thụ tối đa chấp nhận được (UL – Tolerable upper intake level) không được thiết lập.
Tuy nhiên, một dạng tổng hợp của vitamin K là menadione (vitamin K3) đã được chứng minh là có thể gây ra phản ứng dị ứng và gây hại cho nhiều loại tế bào bao gồm cả các tế bào thận và gan. Do vậy, Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) không cho phép bán menadione dưới dạng bổ sung cho chế độ ăn uống.
Gây tê vô cảm an toàn hơn cho người già
2013-12-20 18:09Mới đây, kỹ thuật vô cảm mới trong phẫu thuật đã được triển khai tại bệnh viện đại học Y Hà Nội. Với phương pháp này, bệnh nhân cao tuổi có thể vượt qua những ca đại phẫu mà không phải chịu đau đớn cũng như những biến chứng
Tránh tối đa biến chứng
PGS.TS Nguyễn Hữu Tú, trưởng khoa gây mê hồi sức và chống đau (bệnh viện đại học Y Hà Nội), cho biết với những chấn thương do gãy xương ở người già thì tuỳ thuộc vào sức khoẻ của bệnh nhân sẽ có hai hướng chữa bệnh là điều trị bảo tồn hoặc phẫu thuật. Với điều trị bảo tồn phải chấp nhận nguy cơ của nhiều biến chứng do nằm bất động lâu như nhiễm khuẩn hô hấp, tiết niệu, loét, tắc mạch… nhưng tỷ lệ thành công không cao. Phẫu thuật cố định chỗ xương gãy hoặc thay khớp háng nếu cho phép được coi là lựa chọn tối ưu vì giúp bệnh nhân sớm vận động trở lại, tránh được các biến chứng do bất động dài ngày. Tuy nhiên bệnh nhân sẽ phải đối mặt với những rủi ro lớn do quá trình gây mê cho bệnh nhân cao tuổi khó và dễ xảy ra tai biến, thậm chí tử vong trên bàn mổ.
Nhờ kỹ thuật gây tê vô cảm tiên tiến, các bệnh nhân cao tuổi đã trải qua ca phẫu thuật an toàn và không đau đớn. Các bác sĩ đã áp dụng phương pháp gây tê vùng phối hợp cùng lúc hai kỹ thuật gồm gây tê tuỷ sống với liều rất nhỏ (minidose) và gây tê ngoài màng cứng chỉ với liều giảm đau (analgesia dose). Việc xác định liều lượng của thuốc tê sử dụng trong phương pháp gây tê vô cảm phải dựa vào đánh giá trên thể trạng, các chức năng sống của từng bệnh nhân cũng như mức độ và yêu cầu của cuộc phẫu thuật. Bác sĩ Tú cho hay sự phối hợp này tránh được tối đa các biến chứng về hô hấp và tim mạch của phương pháp gây tê tuỷ sống hoặc ngoài màng cứng thông thường khi dùng đơn lẻ hoặc phối hợp nhưng với mục đích khác.
Bệnh nhân vẫn tỉnh táo
Đặc biệt, trong quá trình vô cảm bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, có thể phối hợp cùng các bác sĩ để tránh các tổn thương về thần kinh. Sau mổ, bệnh nhân cũng không cần làm thêm thủ thuật khác mà tác dụng giảm đau có thể kéo dài từ ba đến năm ngày tuỳ yêu cầu, giúp người bệnh vận động và phục hồi sớm. Tuy nhiên, phương pháp này chủ yếu chỉ được áp dụng cho các phẫu thuật ở phần thấp của cơ thể, trong chấn thương - chỉnh hình chi dưới và phẫu thuật ổ bụng ở phần thấp như niệu quản, bàng quang, các phẫu thuật về sản phụ khoa, sinh dục...
PGS.TS Nguyễn Hữu Tú cho biết, những phương pháp gây tê, gây mê kinh điển có nhiều tác dụng phụ và biến chứng đối với bệnh nhân cao tuổi do chức năng của các cơ quan đều suy giảm, từ 30 – 50% khi ngoài 80 tuổi. Ngoài ra, bệnh nhân cao tuổi thường mắc các bệnh mãn tính phối hợp như tâm phế mãn, mạch vành, đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hoá, nên cơ thể rất nhạy cảm với các thuốc dùng trong quá trình gây mê, gây tê dễ dẫn tới các biến chứng nặng, đặc biệt là suy hô hấp, ngừng thở, tụt huyết áp nặng, nhịp chậm và ngừng tim.
Bên cạnh đó, quá trình chuyển hoá, đào thải các thuốc mê ở bệnh nhân cao tuổi chậm và khó dự đoán nhiều hơn so với bệnh nhân trẻ tuổi. Với phương pháp gây mê kinh điển, sau mổ bệnh nhân lớn tuổi có thể gặp nhiều biến chứng do tồn dư thuốc gây mê, thuốc giãn cơ trong cơ thể như quên thở, tắc nghẽn đường thở, ngừng thở, trào ngược dịch dạ dày vào phổi, thiếu oxy, xẹp phổi... Do có quá nhiều bất trắc có thể xảy ra cho bệnh nhân cao tuổi trong quá trình gây mê, gây tê nên không ít bệnh nhân đã không được phẫu thuật.
Quế - thảo mộc quý cho người tiểu đường type 2
2013-12-16 23:01Quế là vị thuốc quý được dùng nhiều trong dân gian có vị cay ngọt, có mặt trong nhiều bài thuốc đông y. Trong y học hiện đại coi quế là thảo mộc giàu tanin và polyphenol có tác dụng chống ung thư, bệnh tim mạch vành... Mới đây, một nghiên cứu của Akilen R cùng cộng sự tại đại học Thames Valley, Anh Quốc đã khám phá ra tác dụng ngăn chặn bệnh tiểu đường type 2.
Quế là thảo mộc được sự dụng rộng rãi trong dân gian, còn gọi là quế quỳ, quế thanh, nhục quế, quế tâm, có tác dụng bổ hỏa, ấm thận, chữa tiêu chảy, đau khớp... Bộ phận sử dụng của quế là vỏ, chứa nhiều tanin và các hợp chất chống ôxy hóa polyphenol giúp ngăn ngừa bệnh về tim mạch, ung thư hay khớp...
Nghiên cứu này do Akilen R cùng cộng sự tại đại học Thames Valley, Anh Quốc đã tiến hành nghiên cứu tác dụng của quế trong việc làm giảm lượng glycated hemoglobin trong máu góp phần ngăn chặn nguy cơ tiểu đường type 2. Glycated hemoglobin (HbA1c) là một dạng của hemoglobin sử dụng chủ yếu để đánh giá lượng đường trong máu – một chỉ tiêu theo dõi mức độ kiểm soát chuyển hóa glucose ở bệnh nhân tiểu đường.
Thí nghiêm tiến hành trên 58 người (25 nam và 33 nữ) có độ tuổi từ 54 đến 63 có thể trạng thừa cân và bị tiểu đường type 2. Những người này được chia ra làm 2 nhóm, một nhóm được bổ sung 2g/ngày quế và một nhóm giả dược làm đối chứng. Chế độ ăn của hai nhóm hoàn toàn giống nhau, thí nghiệm kéo dài 12 tuần.
Kết quả cho thấy, mức độ đường huyết và lượng HbA1c trong máu của nhóm bổ sung quế thấp hơn hẳn so với nhóm đối chứng. Ngoài ra, huyết áp tâm trương và huyết áp tâm thu cũng giảm ở nhóm bổ sung quế so với nhóm đối chứng. Chỉ số khối cơ thể (BMI), lượng HDL và LDL cholesterol trong máu không có sự thay đổi đáng kể giữa hai nhóm.
Các nhà khoa học khuyên cáo nên sử dụng quế kết hợp với việc dùng thuốc trong điều trị bệnh tiểu đường type 2 có thể hạ đường huyết hiệu quả hơn.
Trà xanh – lá chắn tiểu đường type 1
2013-12-16 22:59Bệnh tiểu đường là một bệnh mãn tính, được biểu hiện bởi hàm lượng đường trong máu thường xuyên cao, nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như bệnh về tim mạch, hại thận... Ước tính hiện có khoảng 230 triệu người trên thế giới mắc bệnh tiểu đường và có thể tăng đến 330 triệu vào năm 2025. Số trường hợp bị tiểu đường type 1 (phụ thuộc insulin) khoảng 4,9 triệu và gia tăng 3 – 5%/năm.
Trà xanh rất giàu chất chống ôxy hóa, đặc biệt là hoạt chất epigallocatechin gallate (EGCG) là một trong 4 loại polyphenol trong trà xanh có nhiều tác dụng tích cực. Theo một số nghiên cứu trước đây, EGCG có thể hỗ trợ giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như tim mạch, béo phì, ung thư, viêm khớp hay giảm đường huyết ở người béo phì bị tiểu đường.
Trong nghiên cứu này, EGCG được bổ sung vào nước uống cho những con chuột bị tiểu đường type 1 không béo phì nhằm đánh giá tình hình tiến triển của bệnh cũng như khả năng bảo vệ của EGCG lên tuyến tụy.
Bệnh tiểu đường được để phát triển tự nhiên trên những con chuột cái thí nghiệm 5 tuần tuổi. Chúng được chia làm 2 nhóm, một nhóm nhận được 0,05% EGCG trong nước uống hàng ngày, một nhóm không được bổ sung EGCG làm nhóm đối chứng. Những con chuột này được nuôi trong cùng một điều kiện, chế độ ăn như nhau chỉ khác thành phần EGCG.
Thí nghiệm được kết thúc khi những con chuột này đạt 32 tuần tuổi. Kết quả cho thấy, có đến 67% số chuột bị mắc bệnh tiểu đường trong nhóm đối chứng, trong khi tỷ lệ này chỉ là 25% ở nhóm được bổ sung EGCG. Lượng đường trong máu của những con chuột được bổ sung EGCG thấp hơn so với nhóm đối chứng. Ngoài ra, các yếu tố chống viêm hay lượng insulin tiết ra được tìm thấy ở nhóm bổ sung EGCG hơn hẳn nhóm đối chứng. Các nhà khoa học cho rằng EGCG không tác động điều chỉnh hệ miễn dịch mà có vai trò bảo vệ chống lại sự xâm nhập phá hủy tế bào β – một loại tế bào đặc biệt làm nhiệm vụ sản xuất insulin. Hoạt động của tuyến tụy cũng được điều hòa tốt hơn khi được uống nước có EGCG.
Các nghiên cứu sâu hơn tiếp tục được triển khai để làm rõ cơ chế tác động của EGCG đến các hoạt động chống viêm trên tuyến tụy nhằm cung cấp thông tin có giá trị cho các thử nghiệm lâm sàng để tiếp tục đánh giá tiềm năng của EGCG chống lại bệnh tiểu đường type 1 ở người.